Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo khoản 8 Điều 3 Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024 quy định “Biện pháp xử lý chuyển hướng” là biện pháp giám sát, giáo dục, phòng ngừa áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, bao gồm các biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều 36 và khoản 12 Điều 36 của Luật Tư pháp người chưa thành niên. Cụ thể các biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng với người chưa thành niên phạm tội như sau:
1. Khiển trách:
Tại Điều 40 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định khiển trách là việc phê bình nghiêm khắc đối với người chưa thành niên phạm tội, trong đó giải thích về thiệt hại mà người chưa thành niên đã gây ra và hậu quả nếu tiếp tục vi phạm. Việc khiển trách được thi hành ngay tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, tại phiên tòa hoặc được thi hành tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chưa thành niên phạm tội cư trú. Khiển trách có thể được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây:
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự;
- Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
- Người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng biện pháp khiển trách phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Tư pháp người chưa thành niên từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Xin lỗi bị hại:
Tại Điều 41 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định xin lỗi bị hại là việc người chưa thành niên phạm tội nhận lỗi với bị hại và mong muốn được tha thứ về hành vi phạm tội mà họ đã gây ra. Việc xin lỗi bị hại được thi hành ngay tại phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng hoặc tại phiên tòa. Xin lỗi bị hại có thể được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp phạm một trong các tội quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 Luật Tư pháp người chưa thành niên;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp phạm một trong các tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 51 Luật Tư pháp người chưa thành niên;
- Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Xin lỗi bị hại được áp dụng khi có sự đồng thuận của bị hại hoặc người đại diện của họ. Người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng biện pháp xin lỗi bị hại phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Tư pháp người chưa thành niên từ 03 tháng đến 01 năm.
3. Bồi thường thiệt hại:
Tại Điều 42 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định bồi thường thiệt hại là việc người chưa thành niên phạm tội hoặc cha, mẹ của họ khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội mà người chưa thành niên gây ra bằng cách đền bù tổn hại về vật chất, tinh thần do xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của bị hại. Bồi thường thiệt hại có thể được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp phạm một trong các tội quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 Luật Tư pháp người chưa thành niên;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp phạm một trong các tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 51 Luật Tư pháp người chưa thành niên;
- Người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Bồi thường thiệt hại được áp dụng khi có sự đồng thuận của bị hại hoặc người đại diện của họ. Cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nhưng không quá 01 năm. Người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Tư pháp người chưa thành niên từ 03 tháng đến 01 năm.
4. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn:
Tại Điều 43 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định giáo dục tại xã, phường, thị trấn là việc buộc người chưa thành niên phạm tội phải chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú về việc tuân thủ pháp luật, thực hiện nghĩa vụ công dân, chấp hành nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi học tập, nơi làm việc. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn có thể được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 và phạm một trong các tội quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 Luật Tư pháp người chưa thành niên;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 và phạm một trong các tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 51 Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Tư pháp người chưa thành niên là từ 06 tháng đến 02 năm.
5. Quản thúc tại gia đình:
Tại Điều 44 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định quản thúc tại gia đình là việc buộc người chưa thành niên phạm tội ở nhà dưới sự giám sát trực tiếp của gia đình và chỉ được rời khỏi nhà trong trường hợp cần thiết với sự cho phép của người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Quản thúc tại gia đình có thể được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 và phạm một trong các tội quy định tại điểm a khoản 2 Điều 51 Luật Tư pháp người chưa thành niên;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý; phạm tội nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 37 và phạm một trong các tội quy định tại điểm b khoản 2 Điều 51 Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Quản thúc tại gia đình được áp dụng khi có đề nghị và cam kết của cha, mẹ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột hoặc chị ruột là người thành niên ở cùng nhà với người chưa thành niên phạm tội. Người đề nghị phải bảo đảm có nơi cư trú rõ ràng, có điều kiện cơ sở vật chất, có khả năng chăm sóc, giáo dục và trực tiếp giám sát người chưa thành niên phạm tội. Thời hạn áp dụng biện pháp quản thúc tại gia đình và thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Tư pháp người chưa thành niên là từ 03 tháng đến 01 năm.
6. Hạn chế khung giờ đi lại:
Tại Điều 45 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định hạn chế khung giờ đi lại là việc giới hạn người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà vào khung giờ nhất định trong khoảng thời gian từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp cần thiết được người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho phép.
Thời hạn áp dụng biện pháp hạn chế khung giờ đi lại là từ 03 tháng đến 06 tháng.
7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới:
Tại Điều 46 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới là việc cấm người chưa thành niên phạm tội giao tiếp, liên lạc, tiếp cận với bị hại, đồng phạm, người có ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của người chưa thành niên có nguy cơ thúc đẩy người chưa thành niên phạm tội mới.
Thời hạn áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới là từ 06 tháng đến 01 năm.
8. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới:
Tại Điều 47 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới là việc cấm người chưa thành niên phạm tội đến địa điểm đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc địa điểm có môi trường tương tự như nơi đã thực hiện hành vi phạm tội có nguy cơ thúc đẩy người chưa thành niên phạm tội mới.
Thời hạn áp dụng biện pháp cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới là từ 06 tháng đến 01 năm.
9. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề:
Tại Điều 48 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định tham gia chương trình học tập, dạy nghề là việc người chưa thành niên phạm tội phải học tập về pháp luật, đạo đức, nghĩa vụ công dân, kỹ năng ứng xử, kỹ năng sống hoặc học nghề.
Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn có trách nhiệm đào tạo, giáo dục người chưa thành niên và phối hợp với người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thi hành biện pháp này.
Thời hạn áp dụng biện pháp tham gia chương trình học tập, dạy nghề là không quá 01 năm.
10. Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý
Tại Điều 49 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định điều trị hoặc tư vấn tâm lý là việc trị liệu, can thiệp y tế nhằm khắc phục những trở ngại về tinh thần, cảm xúc, tâm trạng, tình trạng sức khỏe là nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của người chưa thành niên.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và tổ chức khác có chức năng điều trị hoặc tư vấn tâm lý được cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn có trách nhiệm thực hiện các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn để trị liệu, can thiệp cho người chưa thành niên và phối hợp với người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thi hành biện pháp này.
Thời hạn áp dụng biện pháp tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý là không quá 01 năm.
11. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng:
Tại Điều 50 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là thực hiện công việc trực tiếp phục vụ cho lợi ích của cộng đồng nơi người chưa thành niên phạm tội cư trú, bao gồm:
- Tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công trình công cộng khác;
- Tham gia công việc khác nhằm cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng;
- Tham gia hỗ trợ giúp đỡ người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt hoặc các hoạt động tình nguyện khác nhằm tăng cường ý thức, trách nhiệm, sự gắn kết, chia sẻ với cộng đồng.
Tổng thời gian thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là từ 20 giờ đến 80 giờ. Việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng không được quá 04 giờ trong 01 ngày, không được quá 05 ngày trong 01 tuần, không được thực hiện vào thời gian từ 20 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Việc tổ chức thi hành biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng phải bảo đảm an toàn, tránh bị kỳ thị và ảnh hưởng đến việc học tập của người chưa thành niên.
Thời hạn áp dụng biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là không quá 03 tháng.
12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng:
Tại Điều 50 Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định giáo dục tại trường giáo dưỡng là việc buộc người chưa thành niên phạm tội học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục trong một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Giáo dục tại trường giáo dưỡng có thể được áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây:
- Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng về một trong các tội phạm sau đây: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội mua bán người, Tội mua bán người dưới 16 tuổi, Tội cướp tài sản, Tội cướp giật tài sản, Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy, Tội mua bán trái phép chất ma túy, Tội chiếm đoạt chất ma túy, trừ trường hợp người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án;
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nghiêm trọng về một trong các tội phạm sau đây: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội cướp giật tài sản, trừ trường hợp người chưa thành niên là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án;
- Các trường hợp khác cần phải áp dụng, do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người chưa thành niên phạm tội;
- Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là từ 06 tháng đến 02 năm.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0983951338 - 0936683699