Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015 là điều luật mới, trước đây chưa được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Để điều chỉnh những quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân, nhằm duy trì chúng theo một trật tự nhất định, Nhà nước ban hành các quy tắc xử sự hoặc thừa nhận những xử sự theo tập quán tiến bộ và được Nhà nước bảo đảm thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế. Các quy tắc xử sự ghi nhận trong các điều luật được Nhà nước ban hành hay thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.
Do tính chất đặc trưng của quan hệ xã hội trong phạm vi điều chỉnh nên pháp luật dân sự không mang tính chất “trừng trị”, “răn đe, không bắt buộc các chủ thể nhất thiết phải tuân theo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh hoặc là một sự cấm đoán tuyệt đối. Tính chất các chế tài “cưỡng chế” trong luật dân sự cũng có những đặc trưng riêng khác với các ngành luật khác. Sự tùy nghi trong cam kết, thỏa thuận của các chủ thể nhằm xác lập những quyền, nghĩa vụ dân sự trong các quan hệ dân sự được Nhà nước tôn trọng và luôn được sự bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế. Thông qua sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật dân sự đối với các quan hệ xã hội, sẽ làm cho các quan hệ xã hội trở thành quan hệ pháp luật dân sự, chủ thể trong quan hệ đó có những quyền, nghĩa vụ tương ứng được pháp luật công nhận, bảo vệ.
Vì vậy, trong nhiều trường hợp, với tính chất là một quy phạm pháp luật trong các điều luật cụ thể nhưng có nội dung hướng dẫn, chỉ dẫn để các chủ thể khi xác lập, thực hiện quan hệ dân sự biết và làm theo, bao gồm cả việc thỏa thuận chế tài hoặc trách nhiệm trong những trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, những quyền, nghĩa vụ dân sự trong các quan hệ dân sự được các chủ thể xác lập luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Bảo vệ quyền dân sự thường được thực hiện theo các phương thức sau đây:
(1) Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình:
Theo nguyên tắc cơ bản, pháp luật dân sự công nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền của chủ thể trong quan hệ dân sự, nhưng quan hệ dân sự đó phải xác lập, thực hiện không trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015. Chủ thể trong quan hệ dân sự khi bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ:
– Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm sẽ được Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận các quyền của chủ thể khi người đó tham gia xác lập, thực hiện các quan hệ dân sự. Việc công nhận có thể từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc sự công nhận của chủ thể khác và cộng đồng xã hội.
– Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm sẽ được pháp luật dân sự, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tôn trọng các quyền của chủ thể khi quyền dân sự của chủ thể đó bị xâm phạm. Việc tôn trọng có thể từ phía các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi các quan hệ dân sự có tranh chấp, bị xâm phạm; hoặc sự tôn trọng của chủ thể khác trong quan hệ dân sự và sự tôn trọng của cộng đồng xã hội.
– Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm sẽ được pháp luật dân sự, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ các quyền của chủ thể khi quyền dân sự của chủ thể đó bị xâm phạm. Việc bảo vệ được thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật để yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ khi các quan hệ dân sự có tranh chấp, bị xâm phạm.
– Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân được xác lập, thực hiện không trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ được pháp luật dân sự bảo đảm. Nghĩa là, khi quyền dân sự bị xâm phạm sẽ được pháp luật dân sự, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ. Việc bảo đảm chính là sự công nhận của nhà nước đối với quyền dân sự của chủ thể đó trong quan hệ dân sự cụ thể bằng các biện pháp cưỡng chế.
(2) Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm:
Khi một quan hệ dân sự được xác lập, thực hiện phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015 sẽ được pháp luật dân sự công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
Trách nhiệm pháp lý khi buộc chấm dứt hành vi xâm phạm trong một chừng mực là thái độ của nhà nước đối với hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của một chủ thể khác. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm được áp dụng bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước khi chủ thể có quyền bị vi phạm có yêu cầu.
Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm là việc một chủ thể phải làm, nhằm khắc phục những hậu quả xấu về tài sản và tinh thần cho bên chủ thể có quyền bị xâm phạm. Đây là một phương thức bảo vệ quyền dân sự trong quan hệ dân sự.
(3) Buộc xin lỗi, cải chính công khai:
Trách nhiệm pháp lý khi buộc xin lỗi, cải chính công khai trong một chừng mực cũng là thái độ của nhà nước đối với hành vi không đúng mực đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của một chủ thể nhất định. Buộc xin lỗi, cải chính công khai trong nhiều trường hợp được áp dụng bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước khi chủ thể có quyền bị vi phạm có yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ.
Cơ sở để xác lập các quan hệ dân sự theo nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015 là: tự nguyện, bình đẳng giữa các chủ thể và quyền tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của các chủ thể trong giao lưu dân sự. Vì vậy, khi có chủ thể có lỗi làm thiệt hại và ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể khác, thì quy định về buộc xin lỗi để khắc phục những hậu quả là để xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng xã hội. Đây chính là nét đẹp truyền thống của đời sống xã hội nước ta.
Trong trường hợp Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra các văn bản không đúng với thực tế khách quan vụ việc, làm thiệt hại và ảnh hưởng đến quyền lợi của một hay nhiều chủ thể, thì quy định về cải chính công khai là phương thức khắc phục những hậu quả đã xảy ra.
Buộc xin lỗi, cải chính công khai nhằm khắc phục những hậu quả xấu về tài sản và tinh thần cho bên chủ thể có quyền bị xâm phạm là một phương thức bảo vệ quyền dân sự.
(4) Buộc thực hiện nghĩa vụ:
Pháp luật dân sự luôn công nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền của chủ thể trong quan hệ dân sự khi quan hệ dân sự được xác lập, thực hiện không trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự năm 2015. Chủ thể trong quan hệ dân sự có những quyền và nghĩa vụ nhất định trong quan hệ dân sự. Dù quan hệ dân sự do các chủ thể cam kết, thỏa thuận trong các giao dịch dân sự cụ thể nhưng được áp dụng bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước. Khi có một chủ thể vi phạm, chủ thể có quyền sẽ yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc chủ thể đã không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ đã tự nguyện cam kết, thỏa thuận buộc phải thực hiện nghĩa vụ.
Trách nhiệm pháp lý khi buộc thực hiện nghĩa vụ được áp dụng bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước đều có nội dung nhằm: buộc chủ thể phải thực hiện nghĩa vụ để đáp ứng quyền của chủ thể có quyền; buộc thực hiện nghĩa vụ có thể nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu (tình trạng trước khi có sự vi phạm) hoặc nhằm khắc phục những hậu quả xấu về tài sản và tinh thần cho bên chủ thể bị vi phạm.
Buộc thực hiện nghĩa vụ cũng là việc một chủ thể phải làm, nhằm khắc phục những hậu quả xấu về tài sản cho bên chủ thể có quyền bị xâm phạm. Đây là một trong những phương thức bảo vệ quyền dân sự trong quan hệ dân sự.
(5) Buộc bồi thường thiệt hại:
Trách nhiệm tài sản cũng là đặc điểm đặc trưng về trách nhiệm pháp lý của pháp luật dân sự. Do phạm vi điều chỉnh của luật dân sự chủ yếu là các quan hệ tài sản có tính chất hàng hoá – tiền tệ và những quan hệ nhân thân, nên sự vi phạm của một bên có thể dẫn đến sự thiệt hại về tài sản hoặc tinh thần cho phía bên kia. Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây thiệt hại phải bù đắp những tổn thất về vật chất. Khi người có quyền tài sản, quyền nhân thân bị vi phạm các chủ thể của quan hệ dân sự có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm phải bồi thường thiệt hại. Đây là tiền đề pháp lý để các chủ thể phải có trách nhiệm với nhau trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Trong pháp luật dân sự thông thường là các nghĩa vụ và trách nhiệm là tài sản. Vì vậy, buộc bồi thường thiệt hại cũng được xem là chế tài của pháp luật dân sự thường cũng là trách nhiệm tài sản.
Buộc bồi thường thiệt hại nhằm khắc phục những hậu quả xấu về tài sản cho bên chủ thể có quyền bị xâm phạm phương thức bảo vệ quyền dân sự phổ biến trong các vụ việc tại Tòa án. Khi khởi kiện, các chủ thể có quyền bị xâm phạm thường yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc bên có lỗi và có hành vi vi phạm phải bồi thường thiệt hại. Đây là một trong những phương thức bảo vệ quyền dân sự phổ biến trong quan hệ dân sự có yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
(6) Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền:
Trong thực tế áp dụng pháp luật, có không ít Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có việc nhận thức chưa đúng, đánh giá các sự vật, hiện tượng chưa khách quan, chưa phù hợp với thực tế nên đã gây ra thiệt hại hoặc có thể sẽ gây ra thiệt hại cho một chủ thể. Có thực trạng này do có những khó khăn, trở ngại khách quan; nhận thức chưa đúng và thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ dân sự.
Một trong những phương thức bảo vệ quyền dân sự là pháp luật cho phép chủ thể khi bị thiệt hại hoặc có thể sẽ bị thiệt hại do những quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền thì có quyền khởi kiện, khiếu nại. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền là một trong những phương thức bảo vệ quyền dân sự có ý nghĩa quan trọng khi chủ thể bị thiệt hại hoặc có thể sẽ bị thiệt hại khiếu nại, khiếu kiện yêu cầu giải quyết.
(7) Yêu cầu khác theo quy định của luật:
Ngoài những phương thức bảo vệ quyền dân sự kể trên, do quan hệ dân sự và các yêu cầu của các chủ thể rất đa dạng, phong phú nên có thể còn có những yêu cầu khác trong quan hệ dân sự cụ thể. Có điều này cũng là do sự đa dạng, phong phú và tính phức tạp của các quan hệ dân sự trong đời sống xã hội mà các nhà làm luật chưa thể dự liệu ngay được.
Để những quyền dân sự được xác lập được pháp luật dân sự bảo hộ, thì quy định có tính chất “mở” này là cần thiết. Vì vậy, khoản 1 Điều 11 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã kế thừa các bộ luật trước đó và quy định “Yêu cầu khác theo quy định của luật”.
Điều 11. Các phương thức bảo vệ quyền dân sự
Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.
2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
4. Buộc thực hiện nghĩa vụ.
5. Buộc bồi thường thiệt hại.
6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
7. Yêu cầu khác theo quy định của luật.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338