Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Quyền sở hữu là quyền của chủ sở hữu đối với tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Việc chấm dứt quyền sở hữu đối với một tài sản là việc chấm dứt các quyền năng trên đối với chủ thể có quyền sở hữu đối với tài sản. Điều đó được thực hiện bởi ý chí của chủ sở hữu hoặc bởi những trường hợp do pháp luật quy định.
Tại Điều 237 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ chấm dứt quyền sở hữu, cụ thể quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp: Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác; chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình; tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy; tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu; tài sản bị trưng mua; tài sản bị tịch thu; tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật Dân sự; trường hợp khác do luật quy định.
Chấm dứt do chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác, chủ sở hữu có thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác thông qua hành vi xác lập các hợp đồng bán, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu khác, thừa kế… Chủ thể bằng ý chí của mình xác lập các sự kiện pháp lý trên, chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản cho chủ sở hữu khác và làm chấm dứt quyền của mình đối với tài sản. Việc chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu có thể là mãi mãi đối với việc để thừa kế, bán tài sản… hoặc có thể chỉ trong một thời hạn nhất định như hợp đồng cho vay, sau khi hết thời hạn cho vay được các bên thỏa thuận quyền sở hữu sẽ được khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Chấm dứt do chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình, chủ sở hữu có quyền chấm dứt quyền sở hữu thông qua việc tuyên bố công khai để mọi người được biết mình đã từ bỏ tài sản; hoặc thông qua hành vi không tiếp tục sử dụng, chiếm hữu, định đoạt tài sản để chứng minh mình đã từ bỏ quyền sở hữu.
Chấm dứt khi tài sản đã bị tiêu dùng hoặc tiêu hủy, tiêu dùng, tiêu hủy là chủ sở hữu bằng hành vi của mình tác động trực tiếp lên tài sản khiến cho tài sản đó không còn tồn tại, khi tài sản không còn thì quyền sở hữu đối với tài sản đó cũng chấm dứt.
Chấm dứt do tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, đây là hình thức chấm dứt quyền sở hữu không dựa trên ý chí chủ quan của chủ thể. Về nguyên tắc có nợ thì thì phải trả, khi chủ sở hữu không đủ khả năng trả nợ thì tài sản sẽ bị xử lý để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của chủ thể theo quy định pháp luật.
Chấm dứt do tài sản bị trưng mua, vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia Nhà nước có quyền mua tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thông qua quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Quyền sở hữu của chủ sở hữu chấm dứt từ thời điểm quyết định của cơ quan Nhà nước có hiệu lực.
Chấm dứt do tài sản bị tịch thu, tài sản bị tịch thu khi chủ sở hữu phạm tội, vi phạm hành chính. Các chủ sở hữu có thể phạm tội về buôn bán ma túy, nhận hối lộ… khi đó quyền sở hữu đối với tài sản chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.
Chấm dứt khi tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác, quyền sở hữu được xác lập cho người khác trong một số trường hợp như: tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc… Nếu trong một khoảng thời gian nhất định tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể do pháp luật quy định, mà không tìm được chủ sở hữu thì quyền sở hữu được xác lập cho người khác. Sau quãng thời gian đó chủ sở hữu mất quyền sở hữu đối với tài sản.
Điều 237. Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu
Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.
2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình.
3. Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy.
4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu.
5. Tài sản bị trưng mua.
6. Tài sản bị tịch thu.
7. Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật này.
8. Trường hợp khác do luật quy định.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338