Hệ thuộc luật quốc tịch (Lex Patriae) là hệ thống pháp luật của nước mà đương sự mang quốc tịch. Đây là một hệ thuộc luật cơ bản được áp dụng trong nhiều quan hệ dân sự, đặc biệt là các quan hệ liên quan đến nhân thân như xác định năng lực pháp luật, năng lực hành vi của cá nhân, quan hệ liên quan đến tài sản là động sản... Hệ thuộc luật quốc tịch được áp dụng phổ biển tại các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law.
Ở Việt Nam hiện nay luật quốc tịch cũng được áp dụng để điều chỉnh nhiều quan hệ, tuy nhiên thực tiễn do có sự quy định của pháp luật các nước khác nhau về vấn đề quốc tịch của cá nhân nên có thể xảy ra tình trạng có người có nhiều quốc tịch và có những người không có quốc tịch nào. Những người này vẫn tham gia vào người không có quôc tịch nên các quan hệ dân sự, và khi pháp luật điều chỉnh quan hệ mà họ tham gia được xác định là pháp luật của nước mà đương sự có quốc tịch thì pháp luật áp dụng đổi với các chủ thể có nhiều quốc tịch hoặc không có quốc tịch này cũng cần phải được quy định cụ thể.
Tại Điều 672 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định căn cứ xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch, người có nhiều quốc tịch. Theo đó, trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người không quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất. Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất. Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam. Cụ thể:
Theo quy định pháp luật thì người không có quốc tịch là người không phải công dân của bất kỳ quốc gia nào. Người có nhiều quốc tịch là một người đồng thời là công dân của nhiều quốc gia khác nhau; cả hai chủ thể này giống nhau ở chỗ họ đều không có quốc tịch Việt Nam, vì vậy pháp luật Việt Nam đối xử với họ là như nhau, đều là người nước ngoài, quan hệ dân sự mà họ tham gia được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Căn cứ vào quy định trên, việc áp dụng pháp luật đối với người không có quốc tịch, người có nhiều quốc tịch được xác định như sau:
(1) Đối với người không có quốc tịch:
Trường hợp điều ước quốc tế, pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến áp dụng pháp luật của quốc gia của một bên là cá nhân trong quan hệ, nhưng cá nhân đó lai được xác định là người không có quốc tịch thì, phải thay đổi pháp luật áp dụng. Trường hợp này pháp luật được áp dụng thay thế là pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm quan hệ phát sinh. Áp dụng quy định pháp luật về nơi cư trú khi không xác định được quốc tịch vì, nơi cư trú và quốc tịch đều thuộc quyền nhân thân của một cá nhân. Việt Nam là quốc gia theo hệ thống luật Civil Law nên thường sử dụng hệ thuộc luật quốc tịch hơn là hệ thuộc luật nơi cư trú. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể xác định được quốc tịch của cá nhân, để bảo vệ quyền lợi của họ, tạo điều kiện để những người không có quốc tịch được tham gia vào các quan hệ dân sự như những chủ thể khác, pháp luật Việt Nam đã đổi hệ thuộc luật quốc tịch sang hệ thuộc luật nơi cư trú.
Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất. Đây là quy định nhằm đảm bảo tính khách quan, công bằng trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Tùy vào từng trường hợp hợp mà xác định nước nơi người không có quốc tịch có gắn bó thân thiết nhất, có thể đó là nước mà họ thường xuyên cư trú, hoặc là nước mà phần lớn tài sản của họ tọa lạc ở đó.
(2) Đối với người có nhiều quốc tịch:
Có thể thấy, khác với người không có quốc tịch, người có nhiều quốc tịch lại là người đồng thời là công dân của nhiều quốc gia khác nhau. Trường hợp đối với người có nhiều quốc tịch thì pháp luật áp dụng được xác định là, pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Ngoài căn cứ là quốc tịch, pháp luật đã thêm nơi cư trú để xác định pháp luật của nước sẽ áp dụng để điều chỉnh quan hệ; do một người có thể có nhiều quốc tịch, tuy nhiên nơi mà họ cư trú khi phát sinh quan hệ được xác định là có quan hệ gắn bó hơn những quốc tịch còn lại. Nên không phải cứ pháp luật nước mà cá nhân có quốc tịch thì sẽ mặc nhiên được áp dụng, mà cần phải xem xét thêm yếu tố về nơi cư trú, xem khi phát sinh quan hệ cá nhân đó đang cư trú ở đâu thì pháp luật nước đó được áp dụng.
Cũng trên thực tế xảy ra các trường hợp xác định áp dụng pháp luật đối với cá nhân có nhiều quốc tịch, mà không cần xem xét đến nơi cư trú, cụ thể đó là: cá nhân có nhiều nơi cư trú, không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Trong các trường hợp này, nơi cư trú không được xem là căn cứ để xác định pháp luật của nước sẽ được dùng để điều chỉnh chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; dựa trên nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó thân thiết; không có quy định chung nào để xác định một quốc gia có quan hệ gắn bó thân thiết với cá nhân; tùy vào từng trường hợp, hoàn cảnh, từng loại quan hệ mà cơ quan có thẩm quyền có những quyết định khác nhau. Việc áp dụng pháp luật đối với cá nhân có nhiều quốc tịch không có hiệu lực với cá nhân, mà trong đó có một trong số các quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Nói cách khác chỉ cá nhân có nhiều quốc tịch mà không có quốc tịch Việt Nam mới được xem là người nước ngoài, và quan hệ dân sự mà họ tham gia được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. (Nguyễn Văn Cừ - Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Nxb. Công an nhân dân).
Điều 672. Căn cứ xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch, người có nhiều quốc tịch
1. Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người không quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất.
2. Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất.
Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338