Language:
Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng (Điều 206)
18/05/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Sở hữu riêng là một chế định của quyền ở hữu nói chung, nó mang đầy đủ các đặc điểm của quyền sở hữu. Cá nhân, pháp nhân có tài sản thuộc sở hữu riêng phải đảm bảo các điều kiện dó pháp luật quy định.

 

Quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu riêng được pháp luật dân sự khuyến khích tạo điều kiện nhằm giải phóng sức sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cá nhân, pháp nhân có quyền dùng vốn, công cụ và tư liệu sản xuất thuộc quyền sở hữu của mình để đưa vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng hoặc các mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật. Cá nhân, pháp nhân không được thực hiện quyền sử dụng của mình để hoạt động sản xuất kinh doanh bất hợp pháp. Mọi hành vi phá hoại nền kinh tế quốc dân, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể và công dân hoặc sử dụng tài sản mà hủy hoại môi trường... đều bị xử lí nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

 

Tại Điều 206 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng như sau:

 

Thứ nhất, chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật.

 

Thứ hai, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

 

Theo đó nội dung sở hữu riêng của cá nhân, pháp nhân bao gồm các quyền thuộc quyền sở hữu: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Quyền chiếm hữu là quyền mà cá nhân, pháp nhân được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình.

 

Cá nhân, pháp nhân có thể tự mình thực hiện quyền chiếm hữu hoặc giao cho người khác thực hiện quyền chiếm hữu thông qua các hợp đồng giao dịch dân sự. Quyền sử dụng là viêc cá nhân, pháp nhân được quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng được pháp luật trao cho các chủ thể nhằm tạo kiện để các chủ thể gia tăng sản xuất, kính thích kinh tế phát triển. Theo đó cá nhân, pháp nhân được tự do sử dụng tài sản của mình vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày.

 

Quyền định đoạt là quyền mà cá nhân, pháp nhân được phép chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản. Quyền định đoạt tài sản riêng của cá nhân, pháp nhân được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Cá nhân, pháp nhân có thể tự mình thực hiện quyền định đoạt hoặc chuyển giao quyền định đoạt cho chủ thể khác.

 

Thông thường chuyển giao quyền định đoạt sẽ kèm theo việc chuyển giao quyền chiếm hữu và quyền sử dụng. Khi các cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt phải đảm bảo không gây thiệt hại, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch trong mọi quan hệ dân sự. Vì pháp luật luôn bảo vệ quyền, lợi ích cho tất cả mọi chủ thể là như nhau, không chủ thể nào được ưu tiên hơn, nếu việc thực hiện quyền của chủ thể này mà gây thiệt hại cho chủ thể khác thì phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại gây ra.

 

Điều 206. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng

1. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338