Language:
Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác (Điều 238)
19/06/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Việc chấm dứt quyền sở hữu đối với một tài sản là việc chấm dứt các quyền năng trên đối với chủ thể có quyền sở hữu đối với tài sản. Điều đó được thực hiện bởi ý chí của chủ sở hữu hoặc bởi những trường hợp do pháp luật quy định.

Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.

Quyền sở hữu đối với tài sản chấm dứt theo ý chí của chính chủ sở hữu tài sản như: Chủ sở hữu chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với tài sản bằng cách chuyển giao tài sản đó cho những người khác. Việc chuyển giao quyền sở hữu ở đây được thực hiện thông qua những giao dịch về chuyển giao tài sản được thực hiện bởi chính chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu ủy quyền. Trình tự chấm dứt quyền sở hữu của bên chuyển giao và xác lập quyền sở hữu cho bên được chuyển giao được điều chỉnh bởi các quy định về giao dịch dân sự, về hợp đồng; Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.

Quyền sở hữu đối với tài sản chấm dứt ngoài ý chí của chủ sở hữu như: Quyền sở hữu của chủ sở hữu bị cưỡng chế chấm dứt theo ý chí của các chủ thể khác (tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu, tài sản bị trưng mua, tài sản bị tịch thu); Quyền sở hữu của chủ sở hữu bị chấm dứt theo những nguyên nhân tự nhiên, ngoài ý chí của con người (tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu huỷ); Quyền sở hữu của chủ sở hữu bị chấm dứt do tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của pháp luật (vật đánh rơi, bỏ quên; vật bị chôn dấu, chìm đắm, vùi lấp; gia súc, gia cầm bị thất lạc...). Đồng thời, quyền sở hữu có thể bị chấm dứt trong những trường hợp khác do pháp luật quy định.

Tại Điều 238 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác, cụ thể khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.

Theo ý chí của mình chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản cho các chủ thể khác thông qua các hợp đồng mua bán, trao đổi, tăng cho, cho vay, các hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong các trường hợp này, việc chấm dứt quyền sở hữu của người chuyển giao (chủ sở hữu cũ) đồng nghĩa với việc xác lập quyền sở hữu cho bên được chuyển giao (chủ sở hữu mới). Riêng đối với việc chuyển giao tài sản thông qua thừa kế thì có thể có sự khác biệt nhất định đối với các trường hợp chuyển giao quyền sở hữu thông qua hợp đồng, quyền sở hữu trong trường hợp này chấm dứt theo quy định của pháp luật chứ không phải theo ý chí của chủ sở hữu.

Điều 238. Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác

Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338