Language:
Cựu cố vấn TrustBank đang hoãn thi hành án thì qua đời, giải quyết hệ quả pháp lý ra sao?
15/02/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Thông tin vụ án, cựu cố vấn cấp cao TrustBank H.T.Ph, bị án trong nhiều đại án ngân hàng, đã qua đời ngày 13/02/2023 ở tuổi 76, sau nhiều năm sống thực vật. Bà Ph từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, cựu Cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín - TrustBank. Nhiều năm nay, bà Ph phải điều trị trong tình trạng bị mất 93% sức khoẻ. Từ năm 2018 đến 2020, bà nhiều lần bị TAND TP HCM và Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử trong hai vụ án liên quan đến sai phạm trong thời gian điều hành Trustbank. Tại đại án P.C.D, bà Ph bị xác định lợi dụng việc sở hữu lượng lớn cổ phần (gần 85%) Trustbank để thao túng mọi hoạt động nhà băng, chỉ đạo các thành viên Hội đồng quản trị, nhân viên là người dưới quyền hoặc trong gia đình thực hiện nhiều hành vi sai phạm chiếm đoạt và gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhà băng. Trong tất cả giai đoạn của đại án trên, bà Ph bị cáo buộc chiếm đoạt tổng cộng 12.000 tỷ đồng của Trustbank. Cuối tháng 5/2018, xét xử giai đoạn một, bà Ph bị Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt 20 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp với bản án 17 năm tù do Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên trước đó, bà Phấn phải chấp hành 30 năm tù. Tổng số tiền bà Ph bị buộc bồi thường là hơn 16.000 tỷ đồng. (Link thông tin https://vnexpress.net/ba-hua-thi-phan-qua-doi-4570605.html?)

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, trong các vụ án này bà Ph bị tuyên các tội danh như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 20 năm tù, tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng 20 năm tù, tổng hợp hình phạt 17 năm tù bị tuyên trước đó bà Ph phải thi hành tổng 30 năm tù (theo quy định tù có thời hạn không quá 30 năm), buộc phải bồi thường 16.000 tỷ, nhưng đến thời điểm bà Ph chết thì cơ quan thi hành án dân sự mới thi hành được 7.000 tỷ. Việc bà Ph chưa thi hành án phần hình sự là do trước đó bà Ph bị bệnh nặng nên đã có đơn xin hoãn thi hành án và được phía tòa án chấp thuận.

 

Tuy nhiên, tình huống pháp lý đặt ra là bà Ph chưa thi hành án thì bị bệnh và qua đời, trường hợp này theo quy định tại khoản 5, Điều 25 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã được giao quản lý người được hoãn chấp hành án phải báo cáo cho cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để báo cho tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù ra quyết định "đình chỉ thi hành án và giải quyết các thủ tục có liên quan".

 

Theo quy định pháp luật người phải thi hành án chết trong giai đoạn hoãn thi hành án hình sự, thì người thừa kế theo pháp luật tài sản của người phải thi hành án đã chết phải có nghĩa vụ bồi thường trong phạm vi phần di sản được hưởng, khi người hoãn thi hành án chết thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con của người này vẫn được cơ quan chức năng xác định trong hồ sơ tố tụng.

 

Trường hợp nếu người hoãn thi hành án hình sự chết để lại di sản, thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Đối với tài sản chung như nhà, đất của vợ hoặc chồng (người hoãn thi hành án đã chết) thì cơ quan tố tụng sẽ phải xác định phần tài sản của người chết là bao nhiêu thì phần đó là di sản và phải dùng để thực hiện nghĩa vụ của người chết trước. Sau đó, nếu còn dư thì sẽ chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất như cha, mẹ, vợ, chồng, con theo quy định pháp luật thừa kế. Trường hợp nếu người hoãn thi hành án đã chết không còn tài sản để lại, thì người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người hoãn thi hành án đã chết.

 

Luật sư Hà Thị Khuyên phân tích sâu hơn về trách nhiệm dân sự của bà Ph, nghĩa vụ khi một người chết đi sẽ được chuyển tiếp cho người thừa kế của người đó trong phạm vi di sản để lại, được quy định tại Điều 614 và Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Cụ thể tại Điều 614 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Trong khi đó, Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 

Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp này, nếu bà Phấn để lại di sản thì di sản này sẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Trường hợp bà Phấn không còn tài sản để lại, thì người thân của bà này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay.

 

Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338