Language:
Đăng ký biện pháp bảo đảm (Điều 298)
15/08/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Theo quy định pháp luật, đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm. Đăng ký biện pháp bảo đảm là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào Cơ sở dữ liệu về đăng, ký.

Tại Điều 298 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc đăng ký biện pháp bảo đảm. Theo đó, biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định; Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký; Việc đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm: Đây là những trường hợp mà pháp luật quy định phải đăng ký biện pháp bảo đảm. Đối với những biện pháp bảo đảm mà luật không quy định bắt buộc phải đăng ký thì các chủ thể tự nguyện đăng ký để có hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Việc đăng ký là một điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định. Giao dịch bảo đảm là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các bên đã lựa chọn một biện pháp bảo đảm để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ. Khi giao dịch bảo đảm có hiệu lực pháp luật thì các bên có quyền, nghĩa vụ theo nội dung của biện pháp bảo đảm đã lựa chọn, cho nên các bên phải đăng ký biện pháp bảo đảm đã lựa chọn thì giao dịch bảo đảm đó mới có hiệu lực. Khi pháp luật quy định các chủ thể xác lập biện pháp bảo đảm phải đăng ký biện pháp bảo đảm là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của giao dịch đã giao kết thì buộc các bên phải tuân theo.

Tùy vào từng loại hình tài sản bảo đảm, cơ quan đăng ký có thể là Văn phòng đăng ký đất đai (tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất), Cục Hàng không Việt Nam (tài sản bảo đảm là tàu bay), Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam (tài sản bảo đảm là tàu biển),…

Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thỏa thuận của các bên trong quan hệ hoặc theo quy định của pháp luật. Đăng ký biện pháp bảo đảm không phải là một thủ tục bắt buộc, do đó, các bên có quyền thỏa thuận, hay nói cách khác là tự nguyện đăng ký biện pháp bảo đảm. Mặc dù pháp luật không bắt buộc, nhưng để phòng tránh rủi ro bên có quyền vẫn nên đăng ký biện pháp bảo đảm. Vì khi đăng ký đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận và bảo vệ, việc xử lý tài sản bảo đảm sau này cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật bắt buộc phải đăng ký biện pháp bảo đảm. Ccác tài sản sau phải đăng ký biện pháp bảo đảm: Thế chấp quyền sử dụng đất; thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển.

Đối với quan hệ nghĩa vụ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của bên thứ ba trong giao dịch thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba chỉ phát sinh hiệu lực khi đăng ký biện pháp bảo đảm (đối với trường hợp biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng khi đăng ký). Việc đăng ký tài sản đảm bảo là căn cứ làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba chứ không làm cho giao dịch bảo đảm có hiệu lực với người thứ ba. Việc đăng ký trong trường hợp này chỉ có ý nghĩa là phương thức pháp lý công khai quyền được đảm bảo bằng tài sản của bên nhận đảm bảo, là căn cứ để đối kháng với người thứ ba trong trường hợp nhiều bên cùng có lợi ích với tài sản đó.

Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm được xác định cụ thể: Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký. Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm. Trường hợp đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm mà các bên không ký kết hợp đồng bảo đảm mới hoặc do bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm và tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo đảm các bên không có thỏa thuận về việc bảo đảm cho các nghĩa vụ phát sinh trong tương lai, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản bổ sung hoặc nghĩa vụ bổ sung là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký thay đổi vào sổ đăng ký hoặc cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm. Theo đó, kể từ thời điểm đăng ký đến thời điểm xóa đăng ký biện pháp bảo đảm là thời hạn có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm. (Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ, (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb.Công an nhân dân)

Trình tự thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo quy định tại về đăng ký biện pháp bảo đảm. Quy định này nhằm công khai, minh bạch tình trạng của tài sản. Từ đó, có thể hạn chế rủi ro không đáng có cho các bên có cùng lợi ích với một tài sản khi xảy ra tranh chấp.

Điều 298. Đăng ký biện pháp bảo đảm

1. Biện pháp bảo đảm được đăng ký theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp luật có quy định.

2. Trường hợp được đăng ký thì biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.

3. Việc đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338