Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Pháp luật quy định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Như vậy, quyền định đoạt tài sản là một loại quyền sở hữu.
Tại Điều 193 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện thực hiện quyền định đoạt. Cụ thể việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.
Quy định trên đã nêu rõ điều kiện của việc thực hiện quyền định đoạt, đó là điều kiện về chủ thể phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện; nội dung định đoạt không trái quy định của pháp luật; về trình tự, thủ tục phải tuân theo đúng trình tự, thủ tục nếu pháp luật có quy định.
Về chủ thể, việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện. Trường hợp phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật: Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi; Trường hợp chủ thể tự mình xác lập thực hiện giao dịch: Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý; Trường hợp phải do người đại diện, người giám hộ xác lập, thực hiện thay: Những giao dịch của người dưới 6 tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Nội dung định đoạt, không trái quy định của pháp luật theo điểm c khoản 1 Điều 117 của Bộ luật Dân sự có quy định mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Hành vi định đoạt đối với tài sản của chủ sở hữu cũng phải tuân thủ các điều kiện chung của giao dịch, tức là phải tuân theo Điều 117 Bộ luật dân sự.
Trình tự, thủ tục định đoạt, phải tuân theo quy định của pháp luật, theo quy định tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật dân sự thì đặt ra yêu cầu về hình thức của giao dịch dân sự. Những trình tự, thủ tục trong định đoạt tài sản mà pháp luật có quy định như: hợp đồng phải ký trước công chứng viên, có dấu của công chứng, phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiến hành thủ tục trước bạ sang tên... Nếu chủ sở định đoạt đối với những tài sản là quyền sử dụng đất, nhà ở mà không tuân thủ những trình tự, thủ tục luật thì việc định đoạt đó sẽ không có giá trị.
Như vậy, quyền định đoạt là quyền của chủ thể đối với tài sản thuộc sở hữu của mình, việc thực hiện quyền định đoạt phải đảm bảo theo điều kiện mà pháp luật quy định. Các chủ thể thực hiện quyền định đoạt không tuân thủ các điều kiện do pháp luật quy định sẽ không được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Điều 193. Điều kiện thực hiện quyền định đoạt
Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật.
Trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338