Language:
Doanh nghiệp cần xử lý ra sao khi bị người khác xâm phạm thông tin, hình ảnh?
03/02/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Giải đáp bạn đọc: Thông tin, hình ảnh và sản phẩm của công ty tôi bị một youtuber mang ra làm ví dụ minh họa cho thí nghiệm, để phân biệt hàng thật và hàng giả và trong clip youtuber kết luận là "hàng giả" mặc dù sản phẩm của công ty tôi có đầy đủ giấy tờ kiểm định theo quy định pháp luật. Sự việc này gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy, trong trường hợp này, doanh nghiệp nên làm gì để bảo vệ quyền lợi và cá nhân đưa thông tin sai sự thật sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào theo quy định pháp luật?

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, thông tin và hình ảnh của cá nhân, thông tin và hình ảnh của tổ chức, uy tín của tổ chức được pháp luật bảo vệ một cách tuyệt đối. Theo đó, nếu cá nhân nào sử dụng thông tin, hình ảnh của cá nhân, của tổ chức mà không được sự cho phép của chủ thể đó, thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng thông tin và hình ảnh không được sự đồng ý của chủ thể. Đặc biệt, nếu sử dụng thông tin và hình ảnh để xuyên tạc sai sự thật, đưa thông tin sai sự thật nhằm xúc phạm danh sự nhân phẩm của cá nhân; sử dụng thông tin và hình ảnh để xuyên tạc sai sự thật xâm phạm uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức thì tùy tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà cá nhân đó có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ thể bị thiệt hại, đối với hành vi đã gây ra.

 

Chế tài xử phạt vi phạm hành chính:

 

Trường hợp lấy thông tin và hình ảnh của tổ chức để sử dụng vào mục đích riêng, nhưng không xuyên tạc sai sự thật, không gây hiểu nhầm thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”, mức phạt tiền là 10-20 triệu đồng.

 

Còn trường hợp lấy thông tin và hình ảnh của tổ chức để xuyên tạc sai sự thật, vu khống, gây hiểu nhầm, xúc phạm uy tín của tổ chức… thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” hoặc điểm n, khoản 3, Điều 102 về “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Mức phạt đối với hành vi này cũng từ 10-20 triệu đồng.

 

Chế tài truy cứu trách nhiệm hình sự:

 

Nếu hành vi lấy thông tin và hình ảnh của tổ chức để xuyên tạc sai sự thật, vu khống, gây hiểu nhầm, xúc phạm uy tín của tổ chức… đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 với tình tiết định khung tạ điểm e, khoản 2, là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”, khung hình phạt từ 01 đến 03 năm.

 

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

 

Ngoài các chế tài nêu trêu, người vi phạm còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tổ chức, do việc sử dụng thông tin và hình ảnh để xuyên tạc, bịa đặt, vu khống gây ra những tổn thất cho tổ chức, được quy định tại Điều 592. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm. Cụ thể, bồi thường thiệt hại do uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

 

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp uy tín của tỔ chức bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Từ những căn cứ nêu trên, phía doanh nghiệp cần tố cáo vi phạm của youtuber tới cơ quan có thẩm quyền để có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét chế tài hình sự tương xứng với hành vi youtuber đã gây ra. Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng có thể tập hợp các tài liệu, chứng cứ, lập vi bằng về những hành vi xâm phạm của youtuber tới thông tin, hình ảnh của doanh nghiệp mình và nộp đơn khởi kiện tới Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại thỏa đáng, để chấm dứt hành vi vi phạm của youtuber đối với thông tin và hình ảnh của doanh nghiệp mình, trong quá trình tố cáo, khởi kiện thì doanh nghiệp cũng có thể nhờ tới sự hỗ trợ pháp lý của luật sư để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

 

Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338