Language:
Đối tượng cướp ngân hàng tại Thanh Hóa, sẽ bị xử lý ra sao?
12/02/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Thông tin vụ án, vào khoảng 13h ngày 11/02/2023, Trần Văn Th (SN 1988, trú phường Đông Lĩnh, TP. Thanh Hóa) đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang kín mặt mang theo khẩu súng côn xoay (loại bắn đạn bi) xông vào quầy giao dịch của một chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để cướp tài sản. Lúc này, quầy giao dịch đang thưa vắng, nghi phạm tiến đến chỗ giao dịch viên ngồi làm việc rồi hô “Cướp đây, bỏ tiền ra thì sống”. Người bảo vệ thấy nghi phạm liền bám theo, bị tên cướp phát hiện rút súng chĩa vào, nhưng không khoan nhượng, xông tới dùng ghế tấn công lại. Tên cướp tay cầm súng, nhưng lại tỏ ra hốt hoảng lùi dần ra phía ngoài rồi bỏ chạy. Nhận được thông tin, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an TP Thanh Hóa vào cuộc điều tra, truy bắt hung thủ. Sau 2 ngày gây án, Trần Văn Thuyết đã bị cơ quan chức năng bắt giữ khi đang lẩn trốn cách hiện trường hàng chục km. (Link thông tin https://zingnews.vn/lam-an-thua-lo-nguoi-dan-ong-mua-sung-di-cuop-ngan-hang-o-thanh-hoa-post1400839.html)

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, đối tượng trước khi thực hiện hành vi đã có sự chuẩn bị khá kỹ càng, lợi dụng lúc ngân hàng ít người để hành động, việc cơ quan cảnh sát điều tra truy bắt và tạm giữ hình sự đối với đối tượng này là đúng quy định. Dù xuất phát từ động cơ nào đi chăng nữa thì hành vi cướp ngân hàng của đối tượng cũng không thể chấp nhận được, hành vi của đối tượng thể hiện sự liều lĩnh, bất chấp pháp luật, nên chắc chắn đối tượng sẽ phải trả giá bằng bản án nghiêm minh.

 

Trong vụ án này, bước đầu cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhân thân của đối tượng, đối tượng thực hiện hành vi cướp bằng phương thức thủ đoạn ra sao, số tiền có ý định cướp là bao nhiêu, đối tượng mua khẩu súng ở đâu, mua súng của ai, loại súng sử dụng là súng gì, có tính năng ra sao. Đồng thời, làm rõ trong quá trình thực hiện hành vi thì có sự tham gia của đồng phạm khác giúp sức không, nếu có thì phải làm rõ đối tượng nào, đấu tranh để đối tượng khai báo làm rõ sự thật khách quan, để giải quyết vụ án theo đúng quy định pháp luật.

 

Trường hợp này tuy chưa cướp được tiền của ngân hàng, tuy nhiên tội cướp là tội có cấu thành tội phạm hình thức, nên khi người phạm tội thực hiện hành vi là đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, tội phạm đã hoàn thành mà không phụ thuộc vào việc đối tượng có cướp được tài sản hay không.

 

Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015, khách thể của tội phạm bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân, hay nói cách khác, tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản (dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản), nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản, nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quan hệ xã hội thì chưa phản ảnh đầy đủ bản chất của tội cướp tài sản, đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản.

 

Mặt khách quan của tội cướp tài sản được thể hiện ở hành vi chiếm đoạt tài sản bằng các thủ đoạn được mô tả trong điều luật: Dùng vũ lực; đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hoặc các hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt là hành vi mong muốn dịch chuyển tài sản của người khác thành tài sản của mình trái pháp luật và trái ý chí của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.

 

Hành vi dùng vũ lực được hiểu là dùng sức mạnh vật chất (có vũ khí hoặc công cụ, phương tiện khác) để chủ động tấn công người quản lý tài sản hoặc người khác; hành động tấn công này có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị tấn công và làm cho họ mất khả năng chống cự lại hoặc công khai để cho người bị tấn công biết.

 

Tội cướp được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó là tài sản của người khác chiếm đoạt và mong muốn chiếm đoạt tài sản đó. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác là yếu tố bắt buộc của cấu thành tội cướp tài sản.

 

Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338