Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin từ báo chí, Yang Zhong Wu (SN 1976, quốc tịch Trung Quốc) bị Công an TP Pleiku (Gia Lai) bắt giữ khi lẩn trốn trên địa bàn và nghi phạm đã có lời khai về nguyên nhân vụ sát hại nữ kế toán. Tại cơ quan công an, Yang Zhong Wu khai nhận do có mâu thuẫn với chị L.T.M (trú phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), 2 bên xảy ra cãi vã. Vì quá tức giận, nghi phạm đã sử dụng dao cắt hoa quả đâm chị M nhiều nhát dẫn đến tử vong. (Link thông tin https://zingnews.vn/loi-khai-cua-giam-doc-nguoi-nuoc-ngoai-nghi-sat-hai-nu-ke-toan-post1416615.html)
Phóng viên hỏi luật sư: Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam sẽ bị xử lý ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, hành vi sát hại nữ nhân viên kế toán của đối tượng giám đốc người nước ngoài là cực kỳ tàn ác, hành vi này thể hiện bản tính côn đồ, coi thường tính mạng người khác, coi thường pháp luật Việt Nam, cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì bất cứ hành vi phạm tội là do công dân Việt Nam, người nước ngoài hay người không có quốc tịch thực hiện trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam thì đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Trường hợp này tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam và cả hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, tức hành vi phạm tội bắt đầu ở Việt Nam và kết thúc ở Việt Nam, thì nhiên thẩm quyền xử lý tội phạm sẽ thuộc cơ quan tố tụng của Việt Nam.
Tại khoản 2 Điều 5 quy định người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế thì vấn đề trách nhiệm hình sự của những người này được giải quyết như sau: Giải quyết theo điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế. Nếu trong Điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà Việt Nam là thành viên, có quy định giải quyết vấn đề này thì trách nhiệm hình sự của những người đó phải được giải quyết trên cơ sở quy định của Điều ước quốc tế đó. Nếu có tập quán quốc tế thì giải quyết theo tập quán quốc tế; Nếu Điều ước quốc tế không quy định hoặc không có tập quán quốc tế định sẵn thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Như vậy, người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam nhưng thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết khác với công dân nước ngoài bình thường khác phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.
Một số trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam có thể bị dẫn độ về nước xử lý, theo quy định tại Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007, nếu quốc gia của công dân phạm tội có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể, cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.
Tại Điều 35 Luật tương trợ tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng có thể từ chối dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.
Với hành vi sát hại dã man nữ kế toán đối tượng này sẽ phải đối diện với tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt từ 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra đối tượng còn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338