Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Thông tin ban đầu, tối 20/10/2023, thông tin từ Công an tỉnh Tiền Giang cho biết liên quan đến vụ chết người nghi do bị đầu độc xảy ra tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, cảnh sát đã bắt khẩn cấp Phạm Minh Qu. (14 tuổi, ngụ huyện Cái Bè) để điều tra vì có liên quan đến vụ việc. Đồng thời cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang cũng đã khởi tố vụ án hình sự về Tội giết người. Theo điều tra ban đầu, khoảng 6h ngày 14/10/2023, cụ bà P.T.P. (83 tuổi, ngụ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) phát hiện con ruột là ông P.V.Y. (45 tuổi) nằm chết trên giường. Người nhà tưởng ông Y. chết do bệnh lý nên tổ chức mai táng mà không trình báo chính quyền. Đến 22h cùng ngày, con gái pha cho cụ P. 100ml sữa. Khoảng 5 phút sau khi uống sữa, cụ P. có biểu hiện tức ngực, khó thở, nôn ói và chết trên đường đi cấp cứu. Gia đình cũng nghĩ cụ P. mất do bệnh lý nên không trình báo công an. (Link thông tin https://dantri.com.vn/phap-luat/con-trai-14-tuoi-khai-bo-chat-doc-vao-sua-lam-cha-va-ba-noi-tu-vong-20231020232222310.htm)
Phóng viên hỏi luật sư: Trách nhiệm pháp lý đối với hung thủ gây ra vụ án trên?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đây là vụ án rất thương tâm nghi phạm và nạn nhân đều là người một nhà, có quan hệ cha con, bà cháu, bác ruột. Điều đặc biệt là theo thông tin ban đầu tại thời điểm gây án hung thủ được xác định mới có 14 tuổi, độ tuổi còn khá trẻ nên suy nghĩ, nhận thức và hành động còn bồng bột, thiếu chín chắn dẫn đến có hành vi sát hại nhiều người thân trong gia đình, thậm chí không nhận thức được với hành vi bỏ bã chó vào sữa như vậy sẽ có nguy cơ làm chết nhiều người chứ không phải một người, trên thực tế nhiều người trong gia đình đã thiệt mạng.
Trong vụ án này trước tiên cơ quan điều tra sẽ xác định nguyên nhân xảy ra sự việc, giám định bã chó mà hung thủ dùng để trộn vào sữa có độc tính ra sao, bình sữa đó thường ngày có những ai dùng, đồng thời tiến hành khám nghiệm tử thi và lấy lời khai của những người liên quan.
Tuy nhiên một điều quan trọng là cơ quan điều tra sẽ xác định tại thời điểm thực hiện hành vi giết người nghi phạm đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa. Bởi theo quy định pháp luật, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể là về Tội giết người có khung hình phạt cao nhất từ 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình là loại tội đặc biệt nghiêm trọng, theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp hung thủ đã đủ 14 tuổi trở lên và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Với hậu quả hai người chết, giết người nuôi dưỡng mình thì khung hình phạt dành cho người thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) sẽ là 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình. Nhưng nếu hung thủ chỉ mới từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì sẽ được áp dụng quy định hình phạt dành cho người chưa thành niên phạm tội, bởi việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp tư pháp khác, cụ thể: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự”, theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nếu áp dụng hình phạt tù có thời hạn cho người từ đủ 14-16 tuổi được tính như sau, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Trường hợp hung thủ còn chưa đủ 14 tuổi thì được xác định là trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự, không thoả mãn dấu hiệu về mặt chủ thể phạm tội, sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên cơ quan điều tra cũng sẽ điều tra xem thực hiện hành vi này có vai trò của đồng phạm khác là người chủ mưu, xúi giục, giúp sức không, có người nào tạo điều kiện thúc đẩy hung thủ phạm tội không, diễn biến và bản chất sự việc có đúng như lời khai của nghi phạm khai là do bực tức bố hay la mắng về việc góp ý chuyện uống rượu, mục đích bỏ bã cho để giết hại cha hay cả bà, nhiều vấn đề cần được cơ quan điều tra làm rõ.
Điều 101. Tù có thời hạn
Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338