Language:
Hơn 250 học sinh một trường học ở Nha Trang ngộ độc. Trách nhiệm pháp lý ra sao?
22/11/2022
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Thông tin ban đầu về vụ việc, hơn 250 học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Nha Trang bị ngộ độc sau bữa ăn bán trú ở trường, một học sinh lớp 1 đã tử vong.

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng trên khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, không chỉ lãnh đạo nhà trường và các phụ huynh có con nhập viện cũng rất sốc, dư luận xã hội lo lắng về vấn đề thực phẩm, vấn đề ăn uống trong môi trường học đường. Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh nguyên nhân sự việc, xác định hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định pháp luật, điều tra nguyên nhân, xác định trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan.

 

Theo thông tin ban đầu, kết quả phân lập nuôi cấy mẫu phân ghi nhận tác nhân khiến hàng trăm học sinh một trường ở Nha Trang ngộ độc là vi khuẩn Salmonella, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh, nên cơ quan chức năng sẽ điều tra nguồn gốc vi khuẩn này phát sinh từ đâu trong khâu nào của quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm để dẫn tới hậu quả gây ngộ độc thực phẩm cho hàng loạt học sinh. Nếu vi khuẩn Salmonella gây ngộ độc thực phẩm nhưng do yếu tố chủ quan từ các khâu sản xuất, bảo quản, vận chuyển, chế biến thực phẩm của các cá nhân, tổ chức, thì rất có thể cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015, để điều tra làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm, cơ quan công an sẽ lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân, lấy mẫu thức ăn, nguồn nước, dụng cụ phục vụ ăn uống, chế biến và các thực phẩm mà nhà trường có sử dụng trong thời điểm sự việc xảy ra, để kiểm nghiệm nhằm xác định độc tố, nguyên nhân dẫn đến vụ ngộ độc hàng loạt này.

 

Trường hợp xác định hóa chất, độc tố có trong loại thực phẩm nào sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc để xác định việc sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến có đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, nguyên nhân nào dẫn đến ngộ độc thực phẩm để tiến hành truy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.

 

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định được mô tả theo khoản 1, Điều 317 Bộ luật Hình sự dẫn đến hậu quả một học sinh tử vong, nhiều học sinh bị tổn hại nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, xác định trách nhiệm của cá nhân có liên quan để khởi tố bị can, xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Nguyên nhân của việc ngộ độc thực phẩm có thể từ nguyên liệu đầu vào không sạch, do cách bảo quản không đúng quy cách hoặc do quá trình chế biến có sai sót. Tuy nhiên, dù nguyên nhân nào chăng nữa, sự việc xảy ra đối với cơ sở giáo dục này là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng, uy tín của nhà trường và các bậc phụ huynh cũng sẽ có tâm lý bất an khi chưa có kết luận cuối cùng.

 

Đây là vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng gây lo lắng cho nhiều phụ huynh nhà trường và cho xã hội nói chung, nên cơ quan chức năng và các cơ sở giáo dục cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát để phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở giáo dục, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra ở các cơ sở giáo dục khác đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của các em học sinh.

 

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, những hành vi khách quan của tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 như hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bị cấm; hành vi sử dụng động chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biên thực phẩm; hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng, chưa được phép lưu hành; hành vi cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định pháp luật; hành vi nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bị cấm, ngoài danh mục được phép sử dụng; hành vi nhập khẩu, cung cáp hoặc bán thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành; hành vi chế biên, cung cấp, bán thực phẩm khong bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm… được quy định tại điểm b, c, d, đ, e khoản 1, Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015, những cá nhân, tổ chức nào có những hành vi được liệt kê trên, thì sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.