Language: Vietnamese | English | Chinese | Japanese | Korean |

Hướng dẫn - Giải đáp

Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan khác

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan khác. Chủ tịch nước tự mình hoặc theo đề nghị của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quyết định cơ quan chủ trì soạn thảo lệnh, quyết định. Cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức soạn thảo lệnh, quyết định. Chủ tịch nước có thể yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo thảo luận về những vấn đề quan trọng của dự thảo lệnh, quyết định. Tùy theo nội dung của dự thảo lệnh, quyết định, Chủ tịch nước quyết định việc đăng tải toàn văn trên cổng thông tin điện tử của cơ quan chủ trì soạn thảo. Việc đăng tải dự thảo lệnh, quyết định trong thời gian ít nhất là 20 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến, trừ trường hợp điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì việc đăng tải thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 51 của Luật này.

Thẩm tra, thông qua, công bố luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu về việc thẩm tra, thông qua, công bố luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Đối với dự án trình Quốc hội thì chậm nhất là 45 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, cơ quan trình phải gửi hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này đến cơ quan chủ trì thẩm tra để tiến hành thẩm tra và gửi hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này bằng bản điện tử đến Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội để gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội. Đối với dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan trình phải gửi hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này đến cơ quan chủ trì thẩm tra để tiến hành thẩm tra. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội chủ trì thẩm tra dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực mình phụ trách và dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; tham gia thẩm tra đối với nội dung liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách trong dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp có trách nhiệm tham gia thẩm tra về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật của dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu về việc soạn thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cơ quan trình tự mình soạn thảo hoặc phân công cho một cơ quan tổ chức soạn thảo (sau đây gọi chung là cơ quan chủ trì soạn thảo) luật, pháp lệnh, nghị quyết. Nội dung dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật này. Việc tổ chức soạn thảo được thực hiện như sau: Đối với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách, việc soạn thảo được thực hiện trên cơ sở các chính sách đã được thông qua. Trường hợp bổ sung chính sách mới trong quá trình soạn thảo thì chính sách mới phải được thực hiện theo quy định tại các điều 28, 29, 30, 31 và 32 của Luật này; Đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách, việc soạn thảo được thực hiện trên cơ sở kế hoạch triển khai thực hiện Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội và Chương trình lập pháp hằng năm.

Xây dựng chính sách

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu về quy định xây dựng chính sách và quy trình xây dựng chính sách. Cơ quan trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện quy trình xây dựng chính sách trước khi soạn thảo trong các trường hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sau đây: Luật, pháp lệnh mới; luật, pháp lệnh thay thế các luật, pháp lệnh hiện hành; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; Nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Đối với dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì cơ quan trình không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách nhưng phải nêu rõ tác động của chính sách trong bản thuyết minh quy phạm hóa chính sách. Cơ quan trình tự mình lập đề xuất chính sách hoặc phân công cơ quan thực hiện lập đề xuất chính sách. Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm xác định chính sách trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng; kết quả tổng kết thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội; bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ trương phân quyền, phân cấp; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Định hướng lập pháp nhiệm kỳ và chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu Định hướng lập pháp nhiệm kỳ và chương trình lập pháp hằng năm của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, phối hợp với Chính phủ xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, hoàn thành trước ngày 01 tháng 9 của năm đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội, để trình cơ quan có thẩm quyền của Đảng phê duyệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề xuất nhiệm vụ lập pháp; Chủ tịch nước, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu Quốc hội gửi đề xuất nhiệm vụ lập pháp đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01 tháng 8 của năm đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội để xem xét đưa vào Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội.

Thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội ban hành luật để quy định: Tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định; việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; tội phạm và hình phạt; tố tụng tư pháp; Chính sách cơ bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, tài chính, tiền tệ quốc gia, ngân sách nhà nước; quy định các thứ thuế, về huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước; Chính sách cơ bản về quốc phòng, an ninh quốc gia; hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; Chính sách cơ bản về đối ngoại; hàm, cấp ngoại giao; hàm, cấp nhà nước khác; Chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước; Trưng cầu ý dân; Cơ chế bảo vệ Hiến pháp; Vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và luật.

Quy định chung về ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu quy định chung về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung cơ bản về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong phạm vi cả nước hoặc trong đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định tại Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Chính sách là tập hợp các giải pháp cụ thể của Nhà nước để giải quyết một hoặc một số vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.

Phí công chứng, phí, dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng

Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu về phí công chứng, phí, dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng. Phí công chứng bao gồm phí công chứng giao dịch, phí nhận lưu giữ di chúc, phí cấp bản sao văn bản công chứng. Người yêu cầu công chứng giao dịch, gửi giữ di chúc, cấp bản sao văn bản công chứng phải nộp phí công chứng. Mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng và quản lý phí công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Người yêu cầu công chứng phải thanh toán phí khai thác, sử dụng thông tin liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật, giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản liên quan đến giao dịch.