Language:
Luật Bình đẳng giới: 15 năm thi hành và bài học kinh nghiệm
02/12/2022
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Cùng với các nước trên thế giới, Việt Nam đã ký kết tham gia “Công ước Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” và ký kết thực hiện 8 mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Bài viết tập trung phân tích về những chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bình đẳng giới, chỉ ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai Luật Bình đẳng giới sau 15 năm thi hành (2007-2022).

 

 

Những quy định pháp luật về bình đẳng giới đang được thi hành

 

Qua các giai đoạn lịch sử Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, thể hiện qua việc Đảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo, tổ chức và thực hiện bình đẳng giới, đây là hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực thi và đảm bảo đạt mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Ngoài ra, mục tiêu bình đẳng giới đã trở thành một mục tiêu xuyên suốt đặt ra trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách pháp luật khác ở nước ta.

 

Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 29/10/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Việc ra đời của Luật bình đẳng giới đánh dấu một bước tiến vượt bậc về chủ trương, chính sách và tạo cơ sở pháp lý cho việc cụ thể hóa cam kết chính trị của Đảng và Nhà nước về đảm bảo bình đẳng giới thực chất trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Điều 4, Luật Bình đẳng giới đặt ra mục tiêu bình đẳng giới của quốc gia đó là “xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”. Với mục tiêu như vậy, bình đẳng giới sẽ không phải nỗ lực “cào bằng” các cơ hội hay quyền lợi cho nam và nữ một cách cơ học mà bản chất của nó trước hết phải loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với nam và nữ, vốn là rào cản vô hình cản trở việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

 

Luật Bình đẳng giới cũng đã đề ra 6 nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, bao gồm: “Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”; “Nam nữ không bị phân biệt đối xử về giới”; “Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân”; “Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới”; “Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới”; và “Đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật”. Điểm chung của các nguyên tắc này đó là chấm dứt mọi sự phân biệt đối xử đối với nam và nữ. Đồng thời, những khác biệt của nam và nữ sẽ được cân nhắc, giải quyết phù hợp và thấu đáo, trên cơ sở tôn trọng, ghi nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho cả nam và nữ trên cơ sở khác biệt đó. Ngoài ra, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới và chính sách bảo vệ hỗ trợ riêng người mẹ sẽ được sử dụng để khỏa lấp khoảng cách giới hoặc thúc đẩy bình đẳng giới trong một lĩnh vực cụ thể.

 

Luật Bình đẳng giới cũng đã quy định rõ hơn về mục tiêu BĐG trong một số lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội như: chính trị; kinh tế; lao động – việc làm; giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ; văn hóa, thông tin, thể dục và thể thao; y tế và gia đình. Ngoài ra, Luật Bình đẳng giới cũng đã đề ra các biện pháp cần thực hiện để đảm bảo bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và gia đình, ví dụ: các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; việc thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cũng như công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới và nguồn lực tài chính cho công tác bình đẳng giới. Đặc biệt, Luật này cũng đã quy định về trách nhiệm của Chính phủ; cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; các tổ chức khác; trách nhiệm của gia đình và của công dân trong việc thực hiện bình đẳng giới. Luật này cũng đề đưa ra các quy định liên quan đến thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

 

Ngoài ra, còn có những văn bản pháp luật khác được ban hành nhằm hướng dẫn công tác bình đẳng giới được cụ thể hơn như: Nghị định 70/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4 tháng 6 năm 2008 đề ra các quy định chi tiết về việc thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, giúp các bên liên quan thực hiện tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình mà còn đảm bảo phát huy tối đa nguồn lực từ các bên liên quan trong việc hướng tới mục tiêu bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và gia đình. Nghị định 55/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 10/6/2009 đề ra các quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới. Nghị định 48/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/5/2009 quy định về các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới. Quyết định 2351/QQĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 24/12/2010 phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu “Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”. Quyết định 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/10/2015, phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu tổng quát là “giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020”.      

 

Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật chuyên về bình đẳng giới, mục tiêu và các nguyên tắc bình đẳng giới cũng đã được thể hiện rõ khi xây dựng và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật khác. Điểm chung của các văn bản quy phạm pháp luật này đó là việc tôn trọng và đảm bảo các quyền con người cơ bản của nam và nữ, cũng như tuân thủ chặt chẽ các mục tiêu và nguyên tắc về bình đẳng giới mà Luật Bình đẳng giới đã đề ra. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, được Quốc Hội khóa 13, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 22/6/2015, quy định cụ thể về các nội dung và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo tinh thần của Luật Bình đẳng giới.

 

Bài học kinh nghiệm về công tác bình đẳng giới, sau 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (2007-2022)

 

Từ thực tiễn triển khai công tác bình đẳng giới và đưa luật đi vào cuộc sống trong giai đoạn 15 năm (2007-2022) và thực hiện Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn (2011-2020) có thể tổng kết lại những kinh nghiệm mang tính thực tiễn như sau:

 

Một là, tăng cường nâng cao nhận thức đúng đắn và sự cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là việc thay đổi thái độ tích cực và trách nhiệm cao của cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp là tiền đề cơ bản thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công tác bình đẳng giới. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới có ý nghĩa rất quan trọng và cần được tiếp tục tăng cường.

 

Hai là, đẩy mạnh trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện hiệu quả việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và thực hiện chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới là yếu tố và coi đây là giải pháp then chốt. Đặc biệt, tăng cường việc giám sát và thực thi các quy định này trong thực tiễn.

 

Ba là, tiếp tục tăng cường năng lực của tổ chức, bộ máy và cán bộ quản lý nhà nước về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ là yếu tố nền tảng; nhất là, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp vừa có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, vừa tâm huyết với công tác bình đẳng giới. Cơ chế phối hợp liên ngành có hiệu quả có ý nghĩa quan trọng bảo đảm công tác bình đẳng giới đạt kết quả tốt. Tăng cường năng lực cho bộ máy quốc gia về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ và lập ngân sách có tính đến các quan hệ giới là điều kiện thiết yếu để thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới.

 

Bốn là, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở dữ liệu về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ, đặc biệt là thể chế hóa việc sử dụng các số liệu tách biệt theo giới tính và các thông tin về giới, bằng chứng liên quan đến giới trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

 

Năm là, tăng cường vai trò chủ động và năng lực tham mưu cho Hội phụ nữ và Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp trong việc tham mưu lồng ghép giới, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra công tác bình đẳng giới một cách thường xuyên giúp cho việc nắm bắt tình hình tốt hơn và kịp thời đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề giới nổi cộm, qua đó nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

 

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật, thông tin, tài chính là cần thiết nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Văn Đồng, Vấn đề giới, lồng ghép giới trong chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, số 47, 2017, tr.9-17.

2. Nguyễn Văn Đồng, Luật Bình đẳng giới (2007-2017): Thực tiễn và kinh nghiệm 10 năm thực hiện, Tạp chí Kiểm sát, số 5, 3/2017, tra.9-12, 31.

3. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Bình đẳng giới, số 73/2006/QH11 năm 2006, Hà Nội, 2006.

4. Trương Thị Mai, Việt Nam thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, Tạp chí Cộng Sản, số 187, 2009, tr.18-25.

5. Vụ các vấn đề xã hội, Lồng ghép vấn đề Bình đẳng giới trong dự án Luật Người cao tuổi, Báo cáo Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, 2009.

6. United Nations Development Programme - UNDP, Sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam, Báo cáo khảo sát do UNDP thực hiện, Hà Nội, 2016.