Language:
Ly hôn đơn phương được giải quyết thế nào?
24/02/2023
icon-zalo

Luật sư Trịnh Văn Dũng

 

Theo quy định pháp luật, thì Ly hôn đơn phương là việc ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ hoặc chồng. 

 

1. Quy định pháp luật về Ly hôn đơn phương

 

Ly hôn đơn phương thường xảy ra khi mâu thuẫn gia đình trầm trọng, mục đích của hôn nhân không đạt được. Vợ hoặc chồng không đồng thuận với tất cả hoặc một trong các vấn đề liền quan như: vợ hoặc chồng không đồng ý ly hôn; không thống nhất được phần tài sản của mỗi bên; không thỏa thuận được ai là người được nuôi con, thì thực hiện theo thủ tục đơn phương ly hôn.

 

Điều kiện ly hôn được quy định tại Điều 56, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cụ thể như sau:

 

Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ củavợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

 

Như vậy, khi có những điều kiện trên thì Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương. Người yêu cầu ly hôn đơn phương phải có nghĩa vụ chứng minh những căn cứ mà mình đã viết trong đơn khởi kiện.

 

Tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được để xem xét giải quyết ly hôn đơn phương được hiểu là:

 

Thứ nhất, vợ, chồng không còn thương yêu, quý trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, trong cuộc sống người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

 

Thứ hai, vợ, chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

 

Thứ ba, vợ, chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.

 

2. Thẩm quyền giải quyết Ly hôn

 

Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây: Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

 

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

 

-  Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

 

-  Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

 

Như vậy, khi ly hôn đơn phương, đượng sự nộp đơn ở tòa án nhân dân cấp quận huyện nơi vợ, chồng có đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.

 

3. Thành phần Hồ sơ ly hôn đơn phương

 

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

 

- Chứng minh nhân dân/CCCD hoặc hộ chiếu của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

 

- Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực);

- Bản sao Giấy xác nhận thông tin thường trú, tạm trú của vợ, chồng;

 

- Đơn xin ly hôn (theo mẫu);

 

- Các giấy tờ về tài sản chung vợ chồng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, giấy đăng ký xe, sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận vốn góp, cổ phiếu...

 

4. Thời hạn giải quyết ly hôn đơn phương

 

Căn cứ Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, thời gian chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn tối đa là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý. Có thể gia hạn 02 tháng đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan. Trong thời hạn 01 tháng kế từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa. Trường hợp có lý do thì thời hạn này là 02 tháng.

 

Tuy nhiên, không ít trường hợp thời hạn giải quyết vụ án ly hôn lại ngắn hơn so với quy định. Bởi trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự có thể thỏa thuận được với nhau, nên Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn.