Tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Theo đó, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Từ quy định tại Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể nhận thấy, năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập những quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự, cũng như việc thực hiện các quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự đó. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân cùng với năng lực pháp luật tạo thành tư cách chủ thể của cá nhân. Để có thể tham gia các giao dịch dân sự và trở thành chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự, mỗi cá nhân phải có tư cách chủ thể. Nghĩa là, ngoài năng lực pháp luật dân sự, cá nhân phải có năng lực hành vi cần thiết khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự thích ứng.
Năng lực hành vi dân sự chính là khả năng để cá nhân tiến hành các hành vi nhất định nhằm thực hiện năng lực pháp luật, làm cho năng lực pháp luật trở thành hiện thực. Vì vậy, năng lực hành vi dân sự của cá nhân có quan hệ chặt chẽ với năng lực pháp luật, dựa trên năng lực pháp luật và có sau năng lực pháp luật.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân phát sinh và chấm dứt khi nào: Pháp luật dân sự công nhận mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự bình đẳng như nhau từ khi sinh ra cho đến khi chết vì các chủ thể của quan hệ dân sự luôn bình đẳng với nhau. Theo nguyên lý chung của pháp luật dân sự, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ lúc người đó sinh ra và gắn liền với một cá nhân suốt đời cho đến khi chết, không chịu ảnh hưởng của tuổi tác, trạng thái tâm thần, tình trạng tài sản, địa vị xã hội, kinh nghiệm sống... Trong một số trường họp cần thiết, luật dân sự còn công nhận và bảo vệ quyền lợi cho cá nhân khi người đó còn là thai nhi.
Khoản 2 Điều 16 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau." Nhưng năng lực hành vi dân sự của cá nhân lại chỉ có khi đã đạt đến một độ tuổi nhất định và có trí tuệ phát triển bình thường. Khi cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về những hành vi của chính mình thì phải hiểu và làm chủ được hành vi của chính cá nhân đó. Nghĩa là, về ý chí cá nhân đó phải nhận thức được việc mình đã làm hoặc sẽ làm, về lý trí phải làm chủ được hành vi của mình.
Với những lứa tuổi khác nhau, tình trạng tâm thần khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau... sẽ có sự nhận thức khác nhau. Do đó, pháp luật dân sự không thể công nhận sự bình đẳng về năng lực hành vi trong mọi trường hợp như năng lực pháp luật. Vì vậy, để có thể thực hiện được hành vi, làm chủ được hành vi đó khi tham gia các quan hệ dân sự, cá nhân (với tư cách chủ thể của quan hệ dân sự) phải bảo đảm một số yếu tố nhất định về: độ tuổi, tình trạng tâm thần, kinh nghiệm sống... Tùy thuộc vào độ tuổi, sự phát triển về trí tuệ và khả năng nhận thức, Bộ luật Dân sự năm 2015 tiếp tục phân chia năng lực hành vi dân sự theo các tiêu chí sau đây: Người thành niên, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự. Mỗi chủ thể là cá nhân này có năng lực hành vi dân sự khác nhau.
Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338