Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính cho biết, Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 được Quốc hội ban hành ngày 14 tháng 6 năm 2019. Luật quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành bản án, quyết định về hình phạt tù, tử hình, cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, trục xuất, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện, hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn, biện pháp tư pháp; quyền, nghĩa vụ của người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án hình sự, biện pháp tư pháp.
Thi hành biện pháp tư pháp
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích về quy định chung về thi hành biện pháp tư pháp. Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bao gồm: Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát về áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; Bản án, quyết định của Tòa án về áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng. Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp phải ghi rõ tên cơ quan, họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành biện pháp tư pháp; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định đó cho cá nhân, cơ quan sau đây: Người chấp hành biện pháp tư pháp, người đại diện của người đó; Viện kiểm sát cùng cấp trong trường hợp Tòa án ra quyết định; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành biện pháp tư pháp cư trú; Cơ sở chữa bệnh tâm thần trong trường hợp bắt buộc chữa bệnh; Cơ quan đề nghị Tòa án, Viện kiểm sát áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.