Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích, Ngày 26/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 39/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô. Đối tượng tham gia đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2023/NĐ-CP và nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 73/2022/QH15. Tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực việc kê khai thông tin để đăng ký tham gia đấu giá.
Đấu giá biển số đẹp
Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc tham gia phiên đấu giá người tham gia phải nộp tiền đặt cọc và việc đặt cọc này là điều kiện bắt buộc để được tham gia phiên đấu giá, quy định này áp dụng đối với tất cả tài sản mang ra đấu giá chứ không riêng gì đối với việc đấu giá biển số xe. Vì vậy khi tham gia đấu giá biển số đẹp nếu mua trúng biển số đấu giá nhưng rồi không nhận tài sản sau khi trúng đấu giá, người trúng đấu giá sẽ bị tịch thu tiền đặt cọc nộp ngân sách nhà nước, đây là chế tài đã được quy định rõ, tôi cho rằng chế tài tịch thu tiền đặt cọc này tương xứng với hành vi bỏ cọc của họ; tham gia đấu giá cũng như thực hiện một giao dịch dân sự, việc tham gia giao dịch này các bên đều hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, các bên khi tham gia đều nhận thức được nếu vi phạm các quy định khi tham gia giao dịch đấu giá thì đều phải chịu chế tài và chế tài đối với người tham gia đấu giá bỏ cọc chính là bị “tịch thu tiền đặt cọc” nộp ngân sách nhà nước, đây là chế tài hoàn là phù hợp, đủ tính răn đe đối với bên trúng đấu giá nhưng bỏ cọc, chính vì thế mà không cần áp dụng thêm chế tài khác bổ sung.