Language:

Phá sản

Chấm dứt nghĩa vụ trong trường hợp phá sản (Điều 384)
Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, tại Điều 384 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chấm dứt nghĩa vụ trong trường hợp phá sản. Theo đó, trường hợp phá sản thì nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Luật phá sản. Phương pháp bù trừ nghĩa vụ được quy định tại Khoản 3 Điều 63 Luật Phá sản năm 2014.
Luật Phá sản năm 2014
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính giới thiệu Luật Phá sản năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014. Luật này quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.
Thi hành quyết định về phá sản
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích về việc thi hành quyết định về phá sản. Sau khi nhận được văn bản của Tòa án thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ đối với các trường hợp thi hành về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật này. Sau khi ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho Tòa án đang giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản về kết quả thi hành án đối với doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ việc thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án lâm vào tình trạng phá sản ngay sau khi nhận được quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản. Việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án trong trường hợp này thực hiện theo quy định của Luật Phá sản. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chỉ đạo Chấp hành viên bàn giao cho Tòa án các tài liệu thi hành án có liên quan đến việc tiếp tục thi hành nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản.
Phá sản pháp nhân (Điều 95)
Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, tại Điều 95 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc phá sản pháp nhân. Theo đó, việc phá sản pháp nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản. Khi bị phá sản, pháp nhân phải tuân theo các quy định của pháp luật về phá sản, bao gồm: thủ tục nộp đơn, nộp lệ phí, thực hiện các nghĩa vụ về tài sản như: xử lý khoản nợ, tiền lãi, trả lại tài sản thuê, tài sản mượn… Việc phá sản pháp nhân sẽ làm chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân, đồng thời không tạo lập nên một pháp nhân mới. Cơ sở pháp lý quan trọng nhất đối với việc phá sản pháp nhân là Luật Phá sản năm 2014. Luật này quy định chi tiết, đầy đủ các vấn đề pháp lý liên quan đến phá sản của doanh nghiệp và hợp tác xã. Bên cạnh các quy định chung, Luật Phá sản năm 2014 còn có những quy định riêng về thủ tục phá sản đối với các tổ chức tín dụng - bởi sự phá sản của những tổ chức này có tác động sâu rộng và nghiêm trọng tới đời sống của nhiều người trong xã hội.