Language:
Chấm dứt nghĩa vụ trong trường hợp phá sản (Điều 384)
06/10/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Chấm dứt nghĩa vụ là việc một người có nghĩa vụ phải giao tài sản, thực hiện một công việc nhằm đáp ứng lợi ích cho bên có quyền sẽ không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đó nữa. Việc chấm dứt nghĩa vụ sẽ giải phóng cho bên có nghĩa vụ khỏi việc phải thực hiện nghĩa vụ mà không bị coi là vi phạm và phải chịu bất kỳ chế tài nào. Chấm dứt nghĩa vụ làm chấm dứt quan hệ của hai bên, theo đó bên có quyền không còn quyền yêu cầu và bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ.

Tại Điều 384 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chấm dứt nghĩa vụ trong trường hợp phá sản. Theo đó, trường hợp phá sản thì nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Luật phá sản.

Tại khoản 1, 2 Điều 63 Luật Phá sản năm 2014 quy định về bù trừ nghĩa vụ. Theo đó, sau khi Tòa án nhân dân có quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 63 phải được sự đồng ý của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Thẩm phán về việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ.

Sau khi Tòa án nhân dân có quyết định mở thủ tục phá sản, chủ nợ và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Việc bù trừ nghĩa vụ phải được sự đồng ý của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản báo cáo Thẩm phán về việc thực hiện bù trừ nghĩa vụ. Quy định này nhằm kiểm soát việc bù trừ nghĩa vụ của doanh nghiệp và bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp để ngăn chặn việc doanh nghiệp lợi dụng bù trừ nghĩa vụ để ưu tiên trả nợ cho chủ nợ.

Phương pháp bù trừ nghĩa vụ được quy định tại Khoản 3 Điều 63 Luật Phá sản năm 2014. Cụ thể bù trừ nghĩa vụ được quy định như sau:

(1) Trường hợp các bên có nghĩa vụ về tài sản tương đương với nhau thì không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

(2) Trường hợp các bên có nghĩa vụ về tài sản không tương đương với nhau mà phần chênh lệch giá trị tài sản lớn hơn thuộc về doanh nghiệp, hợp tác xã thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã phải thanh toán phần giá trị tài sản chênh lệch để gộp vào khối tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

(3) Trường hợp các bên có nghĩa vụ về tài sản không tương đương với nhau mà phần chênh lệch giá trị tài sản lớn hơn thuộc về bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã thì bên giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, hợp tác xã trở thành chủ nợ không có bảo đảm đối với phần giá trị tài sản chênh lệch.

Điều 384. Chấm dứt nghĩa vụ trong trường hợp phá sản

Trường hợp phá sản thì nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Luật phá sản.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338