Language:
Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản (Điều 187)
29/04/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Chiếm hữu có căn cứ pháp luật, theo đó chiếm hữu có căn cứ pháp luật về việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây: Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; Người được chủ sở hữu uỷ quyền quản lý tài sản; Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân dự phù hợp với quy định của pháp luật; Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan; Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan; Trường hợp khác do pháp luật quy định.

 

Quyền chiếm hữu chỉ chấm dứt khi quyền sở hữu chấm dứt. Do đó, Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu chỉ chấm dứt khi: Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác; Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình; Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy; Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu; Tài sản bị trưng mua; Tài sản bị tịch thu; Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật Dân sự; Trường hợp khác do luật quy định.

 

Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015 là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Quyền chiếm hữu chỉ chấm dứt khi quyền sở hữu chấm dứt. Theo đó, quyền chiếm hữu chấm dứt trong các trường hợp quy định tại Điều 237 Bộ luật Dân sự năm 2015.

 

Tại Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản

 

Thứ nhất, người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

 

Thứ hai, người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật Dân sự.

 

Cụ thể, tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật như sau: Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

Điều 187. Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản

1. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

2. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338