Language:
Sở hữu chung của cộng đồng (Điều 211)
22/05/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Cơ sở để hình thành sở hữu chung là tài sản chung của các chủ thể, các chủ thể cùng có quyền sở hữu đối với tài sản được gọi là các đồng sở hữu. Sở hữu chung có thể được hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa các đồng sở hữu, cũng có thể được hình thành dựa trên quy định của pháp luật hay theo tập quán.

Tại Điều 211 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về sở hữu chung của cộng đồng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.

Thứ hai, các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Thứ ba, tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

Chủ thể của sở hữu chung cộng đồng là một tập hợp các cá nhân được gắn kết với nhau theo đơn vị hành chính như thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc. Đây được coi như những đơn vị hành chính nhỏ nhất nên sự gắn kết của các thành viên thường hình thành từ lâu đời và có mối quan hệ khăng khít với nhau. Họ có sở hữu chung đối với nhà văn hóa, nhà rông, đối với đường đi, giếng nước, sân đình..; chủ sở hữu chung cộng đồng còn là những người có cùng quan hệ huyết thống như dòng họ. Căn cứ xác lập sở hữu chung cộng đồng là theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật. Yếu tố tự nguyện hay do tập quán là nguồn chủ yếu tạo lập nên tài sản chung của cộng đồng.

Mục đích sử dụng tài sản chung cộng đồng là phải vì lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. Do đó, nếu người dân có chứng cứ cho rằng những người được giao quyền quản lý tài sản chung cộng đồng đã lạm quyền để sử dụng tài sản chung nhằm mục đích tư lợi hay thực hiện các hoạt động từ tài sản chung nhưng đã đi trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc tuyên truyền lối sống mê tín, dị đoan, đồi trụy... thì sẽ bị tước quyền quản lý tài sản chung và phải chịu các trách nhiệm pháp lý khác nữa.

Sở hữu chung của cộng đồng thuộc loại hình thức sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Quy định này của pháp luật nhằm bảo tồn và duy trì các tài sản thuộc hình thức sở hữu này vì phần lớn những tài sản chung này đều chứa đựng các yếu tố văn hóa, lịch sử, có giá trị tinh thần của cả một dòng họ, vùng quê nên thể hiện nét đẹp của truyền thống dân tộc và mục đích sử dụng những tài sản này là vì cộng đồng chung. Cho nên bất cứ sự thỏa thuận nào giữa các thành viên của sở hữu chung cộng đồng (ngay cả đối với dòng họ) nhằm chia tài sản chung thì đều không được pháp luật cho phép.

Pháp luật cũng quy định các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

Việc xác định tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng căn cứ vào nguồn gốc hình thành, về quyền quản lý, sử dụng và định đoạt tài sản chung cộng đồng phải do các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của công đồng nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. 

Điều 211. Sở hữu chung của cộng đồng

1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, cộng đồng tôn giáo và cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cộng đồng.

2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất không phân chia.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338