Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo quy định pháp luật hiện hành, thì tài sản thuộc sở hữu toàn dân gồm có: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân có thể chia thành 03 nhóm sau:
Một là, tài sản có tính đặc biệt bởi chúng là các yếu tố cấu thành nên lãnh thổ quốc gia và không là đối tượng của các giao dịch có mục đích chuyển quyền sở hữu đó là: các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất đai, tài nguyên nước (sông, hồ, nguồn nước), tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi vùng bển, vùng trời...
Hai là, tài sản được hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đều thuộc sở hữu toàn dân: tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, các phương tiện giao thông vận tải, trang thiết bị làm việc...; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ cho lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia như hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống cấp thoát nước...
Ba là, tài sản mà pháp luật quy định là thuộc sở hữu toàn dân; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; những di sản thừa kế mà ko có người thừa kế, người thừa kế không được quyền hưởng hoặc từ chối hưởng di sản...Tài sản do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng, đóng góp và các hình thức chuyển giao tài sản khác cho Nhà nước.
Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản phải được lập thành văn bản; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan; Việc quản lý nhà nước đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan; Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường; Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc quản lý nhà nước đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan.
Còn tại Điều 204 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản thuộc sở hữu toàn dân chưa được giao cho cá nhân, pháp nhân quản lý, cụ thể đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà chưa được giao cho cá nhân, pháp nhân quản lý thì Chính phủ tổ chức thực hiện việc bảo vệ, điều tra, khảo sát và lập quy hoạch đưa vào khai thác.
Như vậy, Chính phủ là cơ quan sẽ có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo vệ, điều tra, khảo sát và lập quy hoạch đưa vào khai thác đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà chưa được giao cho cá nhân, pháp nhân quản lý.
Điều 204. Tài sản thuộc sở hữu toàn dân chưa được giao cho cá nhân, pháp nhân quản lý
Đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà chưa được giao cho cá nhân, pháp nhân quản lý thì Chính phủ tổ chức thực hiện việc bảo vệ, điều tra, khảo sát và lập quy hoạch đưa vào khai thác.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338