Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 307 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp cụ thể như sau:
Thứ nhất, số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật Dân sự.
Thứ hai, trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
Thứ ba, trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
Việc tiến hành xử lý tài sản tài sản bảo đảm làm phát sinh các chi phí như chi phí định giá tài sản, chi phí chuyển quyền sở hữu… cùng với đó là chi phí cho việc bảo quản, thu giữ tài sản. Tất cả sẽ được trừ đi khi xử lý tài sản. Theo đó, số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ được tiến hành thanh toán sau khi đã trừ hết những khoản chi phí trên. Các bên có thể thỏa thuận áp dụng việc tự bán tài sản cầm cố, thế chấp trong các trường hợp mà pháp luật không bắt buộc phải bán đấu giá. Để bảo đảm được quyền cũng như lợi ích của các bên tham gia giao dịch, kẻ cả bên bảo đảm, số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp sau khi đã thanh toán các chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sẽ được dùng để thanh toán nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp. Việc thanh toán nghĩa vụ dân sự từ tiền bán tài sản cầm cố được xác định theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Sau khi thanh toán toàn toàn bộ nghĩa vụ và các chi phí liên quan đến xử lý tài sản mà vẫn còn dư tiền, trường hợp giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị nghĩa vụ, số tiền chênh lệch đó sẽ phải trả lại cho bên bảo đảm. Ngược lại, nếu số tiền xử lý tài sản không đủ để thanh toán toàn bộ nghĩa vụ (trường hợp giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ), thì bên nhận bảo đảm không có quyền yêu cầu bên bảo đảm bổ sung tài sản đảm bảo trừ trường hợp có thỏa thuận, vì ngay từ khi giao kết hợp đồng bảo đảm bên nhận bảo đảm có trách nhiệm phải định giá tài sản bảo đảm. Nếu bên nhận bảo đảm không tiến hành định giá, hoặc đã biết giá trị tài sản bảo đảm nhỏ hơn nghĩa vụ chính mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng, thì bên nhận bảo đảm phải chịu rủi ro cho phần giá trị chênh lệch không có bảo đảm đó. Mặc dù, pháp luật cho phép họ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa thanh toán, nhưng trên thực tế bên có nghĩa vụ có thể chậm trễ không chịu thực hiện nghĩa vụ đó, dẫn đến thiệt hại cho bên có quyền.
Thông thường bên cầm cố, thế chấp sẽ đồng thời là bên có nghĩa vụ, tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định bên cầm cố, thế chấp có thể là bên thứ ba không phải chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ được bảo đảm, giao tài sản của mình cho bên có quyền để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Căn cứ theo quy định trên, thì khi xử lý tài sản bảo đảm mà giá trị của tài sản nhỏ hơn giá trị của nghĩa vụ, thì bên nhận bảo đảm chỉ có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán phần nghĩa vụ còn thiếu. Còn bên cầm cố, thế chấp chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị tài sản cầm cố, thế chấp, mà không có nghĩa vụ phải thanh toán phần nghĩa vụ còn thiếu. Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định chủ thể bị yêu cầu (bị khởi kiện) thực hiện tiếp phần nghĩa vụ chưa được thanh toán, đó là bên có nghĩa vụ được bảo đảm.
Điều 307. Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp
1. Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật Dân sự.
2. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
3. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338