Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị).
Tại Điều 394 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng. Theo đó, khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời. Khi bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý. Trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn trả lời.
Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được hiểu là một khoảng thời gian do bên đề nghị ấn định hoặc hai bên thỏa thuận để bên được đề nghị cân nhắc, trả lời trong khoảng thời gian đó. Việc xác định đúng thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị rất quan trọng bởi theo quy định của điều luật thì khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó. Nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.
Tuy nhiện, không phải lúc nào các bên cũng ấn định thời hạn trả lời. Chính vì vậy, theo Điều luật trên thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý và tùy từng trường hợp cụ thể khác nhau các bên hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xác định như thế nào là một khoảng thời gian hợp lý.
Trên thực tế, có nhiều khi bên được đề nghị đã gửi chấp nhận đề nghị đi đúng thời hạn và thậm chí dự liệu thông báo chấp nhận sẽ đến đúng thời hạn nhưng vì lý do khách quan thì thông báo chấp nhận đã đến chậm. Trường hợp này, chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm không phải do lỗi của bên gửi đi mà do lỗi của người thứ ba hoặc do sự kiện bất khả kháng nên pháp luật quy định hệ quả pháp lý tại Điều 394 Bộ luật Dân sự năm 2015: Trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.
Theo đó, nếu bên đề nghị không biết hoặc không buộc phải biết về lý do khách quan đã xảy ra, thông báo chấp nhận đề nghị không có hiệu lực và không hình thành hợp đồng. Nếu bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan đã xảy ra, thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.
Quá trình giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua nhiều phương thức khác nhau. Khi bên đề nghị đưa ra lời đề nghị thì bên được đề nghị có thể trả lời ngay một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, như trên đã chỉ ra, việc xác định trả lời trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của lời chấp nhận và trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến hậu quả pháp lý khác của lời đề nghị như rút lại hoặc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng. Chính vì vậy, khoản 3 Điều 934 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn trả lời.
Như vậy, có thể thấy quá trình giao kết hợp đồng được thực hiện thông qua nhiều phương thức khác nhau, khi bên đề nghị đưa ra lời đề nghị trực tiếp, hoặc qua điện thoại hoặc bất kỳ phương tiện nào khác, mà không ấn định thời hạn trả lời, thì việc bên được đề nghị trả lời chấp nhận trực tiếp hay gián tiếp sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của câu trả lời. Theo đó, bên được đề nghị phải trả lời ngay là có chấp nhận hay không. Đương nhiên, việc trả lời ngay chỉ xảy ra trong một số trường hợp nhất định mà bên đề nghị không ấn định thời hạn, cũng không thỏa thuận với bên được đề nghị về thời hạn trả lời.
Điều 394. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng
1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.
Khi bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý.
2. Trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.
3. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn trả lời.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338