Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo báo chí phản ánh, từ chiều 28/01/2023, du khách đã đổ về đông kín từ QL10 qua huyện Vụ Bản đến các con đường dẫn vào khu vực tổ chức chợ. Lực lượng chức năng đã lập hàng rào cách khu vực phủ chính khoảng 2km để đảm bảo an ninh trật tự, an tòa giao thông. Trên các con đường dẫn vào khu vực tổ chức chợ Viềng, các bãi trông giữ xe “mọc lên như nấm”. Từ những bãi đất trống, vỉa hè, cây xăng... đều được tận dụng để làm nơi trông xe. Cụ thể, chiều và đêm 28/01/2023, lưu lượng xe ô tô nhiều gây nên tình trạng ùn tắc, kẹt cứng khoảng vài km. Người dân phải gửi xe lại các điểm gửi xe tự phát ven đường với giá 150 - 200 nghìn đồng/xe ô tô/lượt rồi đi xe ôm vào khu vực chợ. Giá xe ôm cho khoảng 2 - 3km đường được "hét" lên mức 100 nghìn đồng/người. Đến tối 28/01/2023, dòng người đổ về khu vực chợ Viềng Phủ (chợ Viềng được tổ chức ở Vụ Bản) càng đông hơn. Giá gửi xe ô tô ở các điểm tự phát đã lên đến 200 - 300 nghìn đồng/xe ô tô/lượt; từ 1h00 ngày 29/01/2023, giá vé xe ô tô giảm còn 100 - 150 nghìn đồng đồng/xe/lượt. (Link thông tin https://www.baogiaothong.vn/chat-chem-o-cho-vieng-du-khach-mat-tien-tram-gui-xe-vao-cho-d580226.html)
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, việc “chặt chém” về giá cả đối với khách du lịch không phải là vấn đề hiếm gặp ở các điểm du lịch, lễ hội. Cơ quan chức năng địa phương xử lý nhiều song tình trạng vẫn lặp đi lặp lại. Nguyên nhân có phải do việc địa phương buông lỏng quản lý hay do người dân và tổ chức liên quan tại địa phương “nhờn luật”?
Phiên chợ Viềng được tổ chức trở lại tại quần thể di tích lịch sử văn hoá Phủ Dầy thuộc xã Kim Thái, kéo dài đến xã Trung Thành và thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản và khu vực chợ Chùa (xã Nam Giang, huyện Nam Trực (Nam Định). Việc thu phí trông giữ xe tại chợ Viềng được quy định theo di tích lịch sử văn hoá Phủ Dầy của UBND tỉnh Nam Định đã ban hành năm 2017.
Theo đó Quyết định 01/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định ngày 3.1.2017 về mức giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô trên địa bàn tỉnh. Quyết định này được ban hành cùng với Biểu mức thu phí cụ thể vào ban ngày và ban đêm. Cụ thể, không quá 4.000 đồng đối với xe máy (ban đêm 8.000); không quá 50.000 đồng đối với ôtô khách từ 30 chỗ ngồi trở lên (ban đêm 70.000 đồng); không quá 40.000 đồng đối với ôtô khách từ 15 đến dưới 30 chỗ ngồi (ban đêm 60.000 đồng); không quá 30.000 đồng với ôtô con, taxi, xe lam, xe chở khách dưới 15 chỗ ngồi (ban đêm 50.000 đồng); mức phí này được quy định trên một lượt (1 lần gửi) xe.
Vì vậy, các bãi trông giữ xe thu phí trông giữ xe máy, ôtô thu phí như phản ánh cao gấp 3 thậm chí gấp 4 lần so với mức phí quy định là trái quy định pháp luật. Cần xem xét trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và đơn vị liên quan để xử lý trách nhiệm pháp lý nhằm ổn định trật tự khu du lịch, tránh để lại hệ lụy xấu làm ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Việt Nam và khu đi tích lịch sử. Để thực trạng này xảy ra ít nhiều có vai trò của cán bộ và chính quyền địa phương trong việc quản lý, tổ chức khu du tích này.
Ngoài phí trông giữ xe bị đẩy lên các phí dịch vụ khác như dịch vụ xe ôm cũng bị đẩy lên cao gấp 3-4 lần; hàng hóa bị bán với giá cao hơn giá niêm yết, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn nơi đông người không được bảo đảm. Điều này có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật. Bởi vậy cơ quan chức năng địa phương cần sớm vào cuộc chấn chỉnh tình trạng này.
Đối chiếu quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 6 Nghị định 45/2019 của Chính phủ, thì chế tài xử phạt về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch quy định, nếu thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng và phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp.
Tại Điểm h, khoản 4, Điều 13 của Nghị định 45 cũng quy định rõ chế tài xử phạt đối với hành vi “không bán đúng giá niêm yết” thì sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu và buộc phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp. Các cơ sở kinh doanh sẽ bị tước quyền sử dụng 1-6 tháng đối với Quyết định công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm về quản lý điểm du lịch, khu du lịch sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng nếu không có bộ phận hỗ trợ khách du lịch, không có bộ phận bảo vệ trực 24h mỗi ngày, không bố trí người làm vệ sinh môi trường… Đối với các hành vi khác thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ phải chịu mức xử phạt tương xứng theo quy định.
Trước tình trạng nhốn nháo trong việc thu phí các dịch vụ liên quan tại khu di tích, du lịch, cơ quan chức năng tại địa phương cần nhanh chóng vào cuộc xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm nhằm chấn chỉnh kịp thời tình trạng này, lấy lại niềm tin trong nhân dân, chặn đứng hành vi xấu xí chặt chém đi khách trong lĩnh vực du lịch. Mặt khác, người dân khi phát hiện cá nhân, tổ chức nào tăng giá, chặt chém” giá hàng hoá, dịch vụ thì có thể phản ánh, liên hệ tới cơ quan quản lý thị trường, UBND cấp xã, cấp huyện tại địa phương nơi đó để được hỗ trợ, xử lý.
Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338