Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo luật sư, Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 06/09/2023 đã khắc phục được hạn chế của các văn bản trước đây về trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Song, vẫn cần cơ quan chức năng tích cực tiếp nhận phản ánh và xử phạt nghiêm nếu doanh nghiệp bảo hiểm chậm trễ, né tránh nghĩa vụ bồi thường, nhằm lấy lại niềm tin cho người dân về loại bảo hiểm này…
Cử tri cả nước từng nhiều lần phản ánh tới các Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải về tình trạng thủ tục nhận bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới rườm rà và công ty bảo hiểm gây khó. Nhất là với bảo hiểm bắt buộc dành cho mô tô, xe máy. Đây là nguyên nhân chính khiến cử tri năm lần bảy lượt kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc đối với mô tô, xe máy.
Từ thời điểm có Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16/09/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Nghị định số 214/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2023 sửa đổ, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2008/NĐ-CP; Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/01/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Nghị định cũ 103/2008/NĐ-CP - là Nghị định đầu tiên hướng dẫn hồ sơ yêu cầu bồi thường được quy định tại Điều 16 còn khá chung chung. Nhiều nội dung không hề được chi tiết gây khó khăn cho người có yêu cầu bồ thường ở khâu chuẩn bị hồ sơ, dẫn tới khó khăn trong giải quyết thủ tục bồi thường.
Đến Nghị định số 03/2021/NĐ-CP thành phần hồ sơ bồi thường bảo hiểm đã được cụ thể, chi tiết từng loại giấy tờ, tài liệu mà người có yêu cầu cần chuyển bị (Điều 15). Thời hạn yêu cầu thanh toán bồi thường quy định tại Điều 16 của Nghị định số 03/2021/NĐ-CP là 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm; thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ; trường hợp từ chối bồi thường, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản lý do…
Tuy nhiên đến nay, các Nghị định trên đã hết hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 06/09/2023 quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới...
Tại Nghị định 67/2023/NĐ-CP thay thế Nghị định 03/2021/NĐ-CP vừa ban hành, các chuyên gia cho rằng các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục đã bớt chung chung, rườm rà hơn, nhưng người dân vẫn cần nắm vững các quy định để đảm bảo quyền lợi của mình. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có các biện pháp xử lý nghiêm với doanh nghiệp bảo hiểm trì hoãn bồi thường để lấy lại niềm tin của nhân dân về loại hình bảo hiểm này.
Phóng viên đã trao đổi chi tiết với Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) xoay quanh vấn đề này.
1. Theo Luật sư, các quy định về bồi thường đối với bảo hiểm bắt buộc của chủ xe cơ giới tại Nghị định 67 đã khắc phục được tình trạng thủ tục rối rắm, rườm rà và công ty bảo hiểm nhũng nhiều mà dư luận bức xúc bấy lâu?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Tôi cho rằng Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 06/09/2023 đã hướng dẫn rất chi tiết về thành phần hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Điều này khắc phục hạn chế của Nghị định cũ chỉ hướng dẫn chung chung khiến người dân khó khăn trong chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường, phải thực hiện nhiều lần nhưng không biết bao giờ đủ thành phần hồ sơ.
Hiện nay, trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định tại Điều 12 của Nghị định 67.
Với quy định mới, hầu như mọi cá nhân, tổ chức đều có thể chủ động chuẩn bị được các loại giấy tờ, tài liệu để hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường, giảm bớt các khó khăn trong chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Thành phần hồ sơ được chi tiết tại Điều 13 của Nghị định 67.
2. Theo nghị định mới, phí bảo hiểm sẽ căn cứ vào lịch sử bồi thường bảo hiểm của từng xe cơ giới hoặc lịch sử gây tai nạn của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng, giảm phí bảo hiểm. Mức tăng, giảm phí bảo hiểm tối đa là 15%. Ông bình luận thế nào về điều này?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Theo tôi, cách tính phí với mức cộng trừ 15% như trên là chưa hợp lý. Nếu thực hiện quy định này trong thực tiễn thì sẽ không tạo ra sự công bằng giữa các tài xế lái xe cẩn thận và những tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, thường xuyên gây tai nạn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng việc tăng phí như vậy hiện nay chủ yếu chỉ tác động đến nội bộ công ty bảo hiểm. Đối với công ty vận tải nhiều xe như các hãng taxi, hãng xe khách thì việc tăng 15% mới có tác động lớn do số lượng xe của họ khá lớn.
Thực tiễn triển khai nếu còn nhiều bất cập thì Chính phủ sẽ có những sửa đổi bổ sung về sau.
3. Người mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cần lưu ý những điểm gì để tránh bị từ chối bồi thường nếu không may xảy ra tai nạn, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Khi có tai nạn, sự cố, người mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cần thông báo ngay cho công ty bảo hiểm. Khai báo đầy đủ thông tin, bao gồm họ tên, số điện thoại, biển số xe, thời gian, địa điểm xảy ra sự cố và diễn biến cụ thể trong vòng 24 giờ để công ty bảo hiểm tổ chức giám định tổn thất, xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm….
Điều này cũng giúp người mua bảo hiểm tiếp cận nhanh nhất với các khoản bồi thường, từ đó tránh việc công ty bảo hiểm từ chối bồi thường nếu khách hàng không thông báo khi xảy ra tai nạn. Thậm chí công ty bảo hiểm còn phạt người mua bảo hiểm 10 - 50% tổng chi phí sửa chữa trong tiến trình thực hiện quyền lợi bảo hiểm nếu thông báo chậm trễ.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm trì hoãn hoặc yêu cầu người tham gia bảo hiểm cung cấp những tài liệu không có trong danh mục quy định... thì người mua bảo hiểm làm thế nào để đòi quyền lợi của mình?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm trì hoãn hoặc yêu cầu người tham gia bảo hiểm cung cấp những tài liệu không có trong danh mục quy định... thì người có yêu cầu bồi thường bảo hiểm phải có đơn phản ánh tới Bộ Tài chính để xem xét xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài ra, hành vi trì hoãn hoặc yêu cầu người tham gia bảo hiểm cung cấp những tài liệu không có trong danh mục quy định… nếu gây thiệt hại cho người yêu cầu bồi thường bảo hiểm thì công ty bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại. Người dân có thể khởi kiện tới tòa án nhân dân để yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường thiệt hại xảy ra.
5. Quy định là vậy nhưng thực tế, khi xảy ra tranh chấp, không phải người dân nào cũng có thời gian, tiền bạc để theo kiện. Đặc biệt với bảo hiểm bắt buộc mô tô, xe máy. Theo ông làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Luật sư Nguyễn Văn Đồng: Đây là bất cập lớn và hạn chế tồn tại hàng chục năm nay ở khắp cả nước. Thứ nhất, người dân mua bảo hiểm nhưng không hiểu hết quyền lợi của mình. Thứ hai, khi xảy ra tai nạn, sự cố thì người dân không biết cách thu thập các tài liệu, giấy tờ thế nào để được bảo hiểm bồi thường. Thứ ba là tư tưởng cho rằng đợi bồi thường lâu và ngại làm thủ tục.
Theo tôi, các cơ quan chức năng nên lồng ghép 3 nội dung đã nêu vào phần sát hạch cấp giấy phép lái xe, để người dân nắm được quyền lợi cụ thể của mình khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới.
Khi mua bảo hiểm, người dân cũng cần yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm có hướng dẫn cụ thể đối với các tình huống yêu cầu bảo hiểm bồi thường. Cơ quan chức năng cũng cần có quy định về trách nhiệm của công ty bảo hiểm trong việc thông tin đến người mua quyền lợi, thủ tục bồi thường của bảo hiểm bắt buộc với chủ xe cơ giới.
Cuối cùng, cơ quan chức năng cần tiếp nhận nhanh chóng phản ánh và xử phạt nghiêm nếu doanh nghiệp bảo hiểm chậm trễ, né tránh nghĩa vụ bồi thường, nhằm lấy lại niềm tin cho người dân về loại bảo hiểm này.
Xin cảm ơn luật sư đã tham gia phỏng vấn!
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338