Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Để sử dụng tài sản của nhân dân có hiệu quả, cần phải trao quyền đại diện cho Nhà nước, cho người có thẩm quyền định đoạt tài sản của nhân dân theo quy định của pháp luật, vì vậy trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 201 quy định Nhà nước là đại diện thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Tại Điều 200 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, doanh nghiệp thực hiện việc quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.
Quyền sở hữu toàn dân, hiểu theo nghĩa khách quan là tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm: Xác nhận việc chiếm hữu toàn dân (gồm cả chiếm hữu pháp lí và chiếm hữu thực tế) đối với những tư liệu sản xuất chủ yếu, quan trọng nhất; Quy định về nội dung và trình tự thực hiện các quyền năng chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân; Xác định phạm vi, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp do Nhà nước thành lập để quản lí những tài sản được giao theo quy định của pháp luật để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh, quản lí nhà nước hoặc hoạt động công ích...
Các doanh nghiệp được giao vốn, tư liệu sản xuất để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh hoặc hoạt động công ích do Nhà nước giao. Các doanh nghiệp có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, được quyền quản lí, trừ những thiết bị, nhà xưởng quan trọng theo quy định của Chính phủ phải được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền cho phép trên nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn quy định tại Điều 200 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Như vậy, Nhà nước giao tài sản cho các doanh nghiệp, đồng thời cho phép doanh nghiệp được thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản đó trong một phạm vi theo quy định của pháp luật. Quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của các cơ quan, doanh nghiệp của Nhà nước được gọi là quyền sở hữu hạn chế. Nhà nước thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều 200. Thực hiện quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp
1. Khi tài sản thuộc sở hữu toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Doanh nghiệp thực hiện việc quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338