Language:
Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi sử dụng thông tin và dữ liệu cá nhân của người khác
07/11/2023
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Thông tin từ báo chí, từ một mâu thuẫn trên mạng xã hội, một công dân bị chủ thẩm mỹ viện “dằn mặt” bằng việc gửi hàng loạt hình ảnh về thông tin cá nhân vốn là bí mật đời tư, chỉ được cung cấp khi làm căn cước công dân của chị và gia đình. (Link thông tin https://1thegioi.vn/hoang-mang-vi-bi-nguoi-khac-biet-tat-ve-thong-tin-doi-tu-207903.html)

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hiện nay ngoài cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được phép thu thập thông tin và dữ liệu cá nhân phục vụ mục đích công tác. Thì các cá nhân, tổ chức khác nếu thực hiện hành vi thu thập trái phép thông tin và dữ liệu cá nhân tuỳ mục đích ra sao thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu bị xử phạt vi phạm hành chính sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin mức phạt lên đến 70 triệu đồng. Trường hợp hành vi đến mức phải xử lý hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng. 

Nếu qua điều tra xác minh cơ quan chức năng xác định được việc rò rỉ thông tin và dữ liệu cá nhân là do mua bán trái phép dữ liệu cá nhận có sự tiếp tay của cán bộ cơ quan, tổ chức có chức năng quản lý dữ liệu này thì nhanh chóng cần siết chặt ngay công tác quản lý. Đồng thời truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng liên quan về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể: cá nhân nếu thực hiện các hành vi Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật hình sự; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó; hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông thì sẽ cấu thành tội này, khung hình phạt lên đến 07 năm tù nếu hành vi được xác định là Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu việc rò rỉ thông tin và dữ liệu cá nhân là do đối tượng hacker xâm nhập đánh cắp trái phép nhằm phục vụ cho hoạt động chiếm đoạt tài sản của các cá nhân tổ chức thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng như: Nếu sau khi có các dữ liệu các nhân này các đối tượng tạo các giấy tờ giả hoặc đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tại sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình hạt cao nhất từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra nếu các đối tượng khi có được dữ liệu cá nhân mà thực hiện hành việc làm giả các tài liệu giấy tờ này thì đây là hành vi của Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt lên đến 07 năm tù nếu làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Trường hợp các đối tượng sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản; Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản. Thì cấu thành Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt từ 12-20 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

Trường hợp việc thu thập dữ liễu cá nhân với mục đưa thông tin sai sự thật để vu khống, xúc phạm, làm nhục người khác thì những đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo quy định tại Điều 156, Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. Để xác định được nguyên nhân của việc rò rỉ thông tin và dữ liệu cá nhân của người dân, rất cần cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, nếu phát hiện sai phạm ở bất cứ khâu nào cũng cần phải nhanh chóng khắc phục và kiên quyết xử lý triệt để nhằm xử lý các lỗ hổng này để người dân yên tâm.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338

Tags