Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Từ vụ bảo vệ khu chung cư bị tài xê xe taxi đâm xe vào người gây tử vong do xe của tài xế này bị bảo vệ chung cư khóa bánh. (Link thông tin https://vietnamnet.vn/tang-thuong-bao-trum-con-ngo-nho-nha-bao-ve-bi-tai-xe-taxi-tong-tu-vong-2126239.html)
Phóng viên hỏi luật sư: Luật sư cho biết trong khu chung cư bảo vệ có được phép khoá bánh xe không? Các quy định về giao thông trong khu chung cư, khu đô thị được quy định ra sao? Quan điểm của luật sư về vụ việc nêu trên?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, hiện nay nhiều chung cư, khu đô thị thiếu diện tích đỗ xe, gây nên tình trạng đỗ xe tràn lan, nên nhiều phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, chắn lối ra vào trước cửa nhà người dân. Biện pháp khóa bánh xe của bảo vệ xử lý đối với những phương tiện vi phạm dừng đỗ trong khu chung cư, khu đô thị gây nhiều tranh cãi. Việc dừng đỗ thời gian ngắn thì có thể chấp nhận được, nhưng nếu cố tình dừng đỗ lâu gây ách tắc giao thông trong khu vực chung cư, khu đô thị khiến ảnh hưởng tới việc ra vào của người dân là hành động sai trái cần lên án.
Tại khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở 2014 quy định: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụ thể đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó, nếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt thì đây không được xem như phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Nếu đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, Ban Quản lý tòa chung cư có quyền thay mặt các chủ sở hữu thực hiện việc quản lý theo Quy chế quản lý Nhà Chung cư mà Bộ Xây dựng đã hướng dẫn trong Thông tư 02/2016/TT-BXD. Do đó, lực lượng bảo vệ chung cư có quyền đặt ra các yêu cầu nội bộ, các vị trí cấm dừng/đỗ xe và hình thức xử phạt với các phương tiện vi phạm.
Việc đỗ xe không đúng vị trí có thể bị coi là hành vi lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung của khu chung cư, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014, việc khóa bánh xe có lẽ là hành động bất đắc dĩ vủa lực lượng bảo vệ chung cư, khu đô thị trước hành vi dừng đỗ tùy tiện của các phương tiện, hoặc đã bị nhắc nhở nhiều nhưng thách thức và cố tình vi phạm.
Nhưng nếu đường nội bộ là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho Chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt, thì đường nội bộ không được coi là phần sở hữu chung của nhà chung cư. việc sử dụng đường nội bộ thực hiện theo quy định trong hồ sơ dự án được cấp phép hoặc văn bản của cơ quan quản lý nhà nước. Đối với những phương tiện vi phạm, hành động bảo vệ khóa bánh xe là trái pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu đối với chủ phương tiện. Việc xem xét, xử lý hành vi vi phạm trong trường hợp này thuộc về lực lượng trật tự, giao thông phía chính quyền.
Vì vậy, các phương tiện trên đường giao thông hoặc đường nội bộ tại các khu chung cư hoặc khu đô thị, cần chú ý quan sát biển báo, hoặc nếu không có biển báo cần lựa chọn những vị trí đỗ phù hợp, không gây ảnh hưởng đến giao thông hoặc hoạt động khác của người dân. Nếu trong trường hợp phát hiện phương tiện đỗ xe không đúng quy định, bảo vệ hoặc đại diện ban quản lý chung cư cần nhắc nhở, giải thích cho chủ xe trên nguyên tắc đảm bảo sự hài hòa, lợi ích cho các bên.
Trong vụ việc này, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát. Khi gặp chướng ngại vật thì phải giảm tốc độ đến mức thấp nhất, có thể dừng lại. Bởi vậy, tất cả những vụ việc mà người tham gia giao thông không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát, đâm vào đuôi xe của phương tiện di chuyển cùng chiều thì người điều khiển phương tiện phía sau có lỗi.
Hành vi có lỗi khi tham gia giao thông đường bộ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như chết người, thương tích của nạn nhân từ 61% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm giao thông đường bộ có lỗi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với những vụ tai nạn giao thông mà người thực hiện hành vi cố ý đối với hậu quả vụ tai nạn giao thông, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi; mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra thì hành vi này là cố ý gây thương tích hoặc giết người chứ không còn là hành vi vi phạm về tham gia giao thông đường bộ.
Trên thực tế, nếu người gây ra vụ tai nạn mà vô ý đối với hậu quả thì sẽ bị xử lý về hành vi vi phạm về giao thông đường bộ. Còn trường hợp tai nạn giao thông xảy ra do lỗi cố ý đối với hành vi và cố ý với hậu quả; người thực hiện hành vi vi phạm giao thông đường bộ mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả nạn nhân thương vong thì phải xử lý hình sự về tội Giết người hoặc tội Cố ý gây thương tích tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.
Đối với vụ tai nạn giao thông nêu trên, hành vi vi phạm giao thông được bộ là đã rõ, hậu quả cũng rõ, đây là vấn đề thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người này do thù tức với người bảo vệ và đã sử dụng phương tiện giao thông (nguồn nguy hiểm cao độ) để đâm thẳng vào nạn nhân, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra thì đây là hành vi giết người. Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà không phụ thuộc vào hậu quả nạn nhân có tử vong hay không.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338