Vướng mắc: Trong vụ án xác nhận cha, mẹ cho con, Tòa án đã ra Quyết định trưng cầu giám định nhưng bị đơn không hợp tác dẫn đến không thực hiện được việc giám định ADN. Vậy, trường hợp này thì Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án hay tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung?
Giải đáp:
Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Toà án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử:
Khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự quy định:
“1. Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cơ quan, tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó;
b) Đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự, người chưa thành niên mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật;
c) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế;
d) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án;
đ) Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp, ủy thác thu thập chứng cứ hoặc đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án;
e) Cần đợi kết quả xử lý văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ;
g) Theo quy định tại Điều 41 của Luật Phá sản;...”
Việc thu thập mẫu vật để giám định ADN là một trong hoạt động thu thập chứng cứ của Thẩm phán quy định tại điểm c khoản 2 Điều 97 và khoản 2 Điều 102 của Bộ luật Tố tụng dân sự, không thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 214 của Bộ luật Tố tụng dân sự, vì vậy không phải là một trong các căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Mặt khác, theo quy định tại khoản 5 Điều 94 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì kết luận giám định chỉ là một trong các nguồn chứng cứ. Điều 108 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”.
Do đó, nếu không thể thu thập được mẫu vật để giám định ADN thì Tòa án phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không tạm đình chỉ giải quyết vụ án.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338
Email: Luatsunhanchinh@gmail.com