Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin từ báo chí, sáng 30/9/2023, Tòa án nhân dân quận Đồ Sơn (Hải Phòng) mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án Gây rối trật tự công cộng đối với 3 bị cáo gồm Đỗ Thị Thu, Đỗ Thị Thuỷ, Đỗ Thị Hiền. Các bị cáo là 3 chị em ruột, đều đăng ký thường trú tại tổ 1, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn. Phiên toà do thẩm phán Nguyễn Thị Minh Phương làm chủ tọa. Tuy nhiên, phiên toà đã phải tạm dừng xét xử do bị cáo Đỗ Thị Thu, 66 tuổi không đủ sức khoẻ để tham dự. Chiều 29/9/2023, tại phiên xét xử đầu tiên, Hội đồng xét xử liên tục xét hỏi các bị cáo, phần nhiều thời gian toà hỏi bị cáo Thu. Đến 18h chiều, sau hơn 4 tiếng đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Đỗ Thị Thu có biểu hiện mệt mỏi, nằm gục trên bục xét xử. Gia đình tham dự đã có ý kiến xin hoãn phiên toà để đảm sức khoẻ cho bị cáo, ngày mai tiếp tục phục vụ việc xét xử. Vì trước đó, bị cáo Thu đã phải nhập viện điều trị trong tình trạng nghi bị nhồi máu não. Bị cáo chưa đến ngày xuất viện nhưng vẫn xin về, tới toà phục vụ việc xét xử. (Link thông tin https://vietnamnet.vn/bi-cao-66-tuoi-nga-quy-phai-cap-cuu-do-toa-an-o-hai-phong-xet-xu-qua-gio-2196270.html?)
Phóng viên hỏi luật sư: Tòa án có được xét xử quá giờ hành chính?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, thực tiễn xét xử cho thấy không phải phiên tòa nào cũng khai mạc hay kết thúc trong giờ hành chính, có phiên tòa diễn ra trong vài tiếng nhưng có phiên tòa phải xét xử cả thứ bảy, chủ nhật; có phiên tòa xét xử trong một ngày nhưng cũng có phiên tòa kéo dài một tuần, cả một tháng, thời gian nghỉ là do hội đồng xét xử ấn định, theo quy định pháp luật tố tụng thì việc xét xử phải được tiến hành liên tục trừ thời gian nghỉ. Hiện nay luật chưa có quy định việc không được xét xử quá giờ hành chính hoặc vào ngày nghỉ.
Thông thường các tòa đều xử án trong giờ hành chính nhưng trong một số trường hợp cụ thể thì quy định này cũng có thể thay đổi theo đặc thù, điều chỉnh theo sự sắp xếp của tòa án. Bởi trong cùng một ngày tòa án có thể phải xét xử liên tiếp nhiều vụ án nên có khi giờ bắt đầu phiên tòa của một vụ án nào đó còn nằm trong giờ hành chính nhưng phiên xử về sau có thể kéo dài qua giờ hành chính và kết thúc trễ. Nhằm tránh án quá hạn, tồn đọng. Số lượng án quá hạn, tồn đọng tại các tòa ngày càng tăng cao, nếu chỉ xử án trong giờ hành chính thì sẽ không thể giải quyết hết và các án sẽ chồng chất và tỉ lệ án quá hạn sẽ tăng cao. Ngoài ra, việc xét xử liên tục nhằm tránh tốn kém, mất thời gian, công sức của các bên đương sự.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp phiên tòa kéo dài quá giờ hành chính thì hội đồng xét xử cũng cần phải xem xét, tính toán tới chất lượng giải quyết vụ án. Bởi nếu phiên tòa kéo dài quá giờ hành chính thì những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng không đảm bảo sức khỏe, bị đói và mệt mỏi, làm ảnh hưởng tới chất lượng xét hỏi hoặc tranh luận. Trong trường hợp này, chủ tọa phiên tòa nên tham khảo ý kiến các bên, nếu xét cần tạm dừng phiên tòa để các bên nghỉ ngơi thì cũng nên tạm dừng nhằm đảm bảo chất lượng xét xử.
Như trường hợp bị cáo 66 tuổi xét xử ngày 30/09/2023 tại Tòa án Nhân dân Đồ Sơn (Hải Phòng), bị cáo là người cao tuổi, có tiền sử bệnh mãn tính, tuy nhiên lại xét xử liên tục quá giờ hành chính nên bị cáo đã bị ngất dẫn tới phải đưa đi cấp cứu. Phía luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị ngừng phiên tòa là có căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc xét xử có thể tạm ngừng khi tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa.
Tuy nhiên, để có căn cứ chính xác về việc bị cáo không đủ sức khỏe để tiếp tục phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp kiểm tra sức khỏe tại chỗ để đánh giá khả năng tiếp tục phiên tòa của bị cáo. Ở phiên tòa có bị cáo tuổi cao và sức khỏe yếu hội đồng xét xử nên cho bị cáo được ngồi trả lời, nếu bị cáo phải đứng nhiều giờ sẽ dẫn tới mệt mỏi, chóng mặt ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe từ đó nội dung xét hỏi, tranh tụng sẽ không đảm bảo.
Điều 250. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục
1. Việc xét xử được tiến hành bằng lời nói.
Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
2. Việc xét xử được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa.
Điều 251. Tạm ngừng phiên tòa
1. Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.
2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338