Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Thông tin ban đầu, liên quan vụ cháu bé 21 tháng tuổi tử vong tại tỉnh Hưng Yên sau khi bị bắt cóc ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, bước đầu, cơ quan chức năng xác định động cơ của nghi phạm gây án là để tống tiền. Theo thông tin ban đầu, đối tượng đòi gia đình đưa 1,5 tỷ đồng, gia đình đã đưa 350 triệu đồng", nguồn tin cho hay. Hiện, các lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Hưng Yên đang tổ chức truy bắt đối tượng trên. Trước đó, ngày 19/9/2023, Công an tỉnh Hưng Yên nhận thông tin từ Công an huyện Gia Lâm, đề nghị hỗ trợ, điều tra một vụ bắt cóc trẻ em. Nạn nhân là một cháu bé 21 tháng tuổi. Đến sáng ngày 20/09/2023, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể cháu bé tại thôn Đồng Quê, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. (Link thông tin https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-chau-be-nghi-bi-bat-coc-sat-hai-gia-dinh-bi-tong-tien-15-ty-dong-20230920145452670.htm)
Phóng viên hỏi luật sư: Trách nhiệm pháp lý hung thủ có thể đối mặt là gì?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính phân tích, thời gian gần đây thường xuyên xảy ra các vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, mới đây nhất là vụ án bắt cóc tống tiền ở Long Biên và hiện tại là vụ án bắt cóc đòi 1,5 tỷ và sau đó nạn nhân là cháu bé 21 tháng tuổi bị sát hại vứt xác tại thôn Đồng Quê, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm vì vậy cơ quan điều tra cần khẩn trương truy bắt và xử lý nghiêm minh đối với đối tượng phạm tội. Vụ án cũng là bài học cảnh tỉnh các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình hãy cảnh giác với mọi đối tượng, bảo mật thông tin cá nhân để bảo vệ bản thân và những người thân trong gia đình. Hậu quả cháu bé đã bị sát hại đây là vụ án hết sức thương tâm.
Bước đầu cơ quan điều tra sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều tra và truy bắt hung thủ. Nếu bắt giữ được hung thủ việc xác định động cơ mục đích phạm tội, ý thức chủ quan và hành vi khách quan của hung thủ là rất quan trọng, nhằm xác định tội danh là Tội giết người hay Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trường hợp làm chết người. Hoặc có thể hung thủ phải đối diện cả 02 tội danh nêu trên, khung hình phạt sẽ hết sức nghiêm khắc.
Trường hợp hung thủ bắt cóc mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản tuy nhiên do lo sợ bị phát hiện mà giết hại nạn nhân thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả 02 tội danh là Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 169 và Tội giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong vụ án này một lúc hung thủ xâm phạm cả 02 khách thể được pháp luật bảo vệ là tính mạng và tài sản của nạn nhân. Ngoài ra hung thủ còn sẽ phải đối mặt với các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại 2 tội danh nêu trên.
Theo quy định pháp luật, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định là hành vi bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản. Tội phạm đồng thời xâm phạm xâm phạm hai khách thể trực tiếp đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Hành vi bắt cóc người khác làm con tin được hiểu là hành vi của người phạm tội thực hiện việc bắt giữ người trái pháp luật nhằm tạo ra điều kiện gây áp lực buộc người bị hại phải giao tài sản bằng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau như dùng vũ lực không chế để bắt giữ người, dùng thủ đoạn lừa dối để bắt giữ người, dùng thuốc gây mê để bắt giữ người…
Gây áp lực đòi người bị hại giao tài sản để đổi lấy người bị bắt cóc được hiểu là sau khi thực hiện xong hành vi bắt cóc con tin thì ngươi phạm tội thực hiện việc gây sức ép về mặt tinh thần đối với người bị hại bằng việc đe doạ gây tổn hại đến tính mạng, sức khoẻ của con tin nhằm buộc người bị hại phải giao một số tài sản để đổi lấy sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, kể cả nhân phẩm, tự do của người bị bắt cóc. Trường hợp làm nạn nhân chết thì sẽ phải đối diện với khung hình phạt cao nhất lên đến chung thân.
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338