Language:
Vụ cướp giật tại phố Nhân Hoà, Thanh Xuân (Hà Nội). Quan điểm pháp lý
22/06/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Thông tin từ báo chí, ngày 21/6/2023, thông tin từ Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho hay, đơn vị đang điều tra vụ cướp giật tài sản xảy ra phố Nhân Hòa, thuộc quận này. Vụ việc xảy ra vào sáng 15/6/2023. Theo hình ảnh từ camera giám sát cho thấy, một người phụ nữ đang đi bộ thì bị một đối tượng đi xe máy chiều ngược lại áp sát. Sau đó, đối tượng giật chiếc dây trên cổ của người phụ nữ. Cú giật khiến nạn nhân ngã văng xuống đường, đập mặt, đầu xuống đất. Ngay sau đó, tên cướp bỏ chạy. Nạn nhân may mắn không bị ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng chấn thương, bầm tím ở vùng mặt. Chiếc dây cũng không bị cướp đi. (Link thông tin https://dantri.com.vn/phap-luat/nguoi-phu-nu-nga-vang-xuong-duong-khi-bi-cuop-o-ha-noi-20230621100344707.htm?)

Phóng viên hỏi luật sư: Quan điểm pháp lý của luật sư về vụ cướp giật nêu trên là gì?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi  cướp giật tài sản của đối tượng là rất manh động, táo tợn. Bất chấp hành vi có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của nạn nhân. Hành vi này gây hoang mang dư luận, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, vì vậy cơ quan điều tra cần nhanh chóng điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Trong vụ việc này, bước đầu cơ quan điều tra sẽ thực hiện nghiệp vụ để điều tra, truy tìm hung thủ, lấy lời khai nạn nhân, người chứng kiến, xem xét dấu vết để lại hiện trường, trích xuất dữ liệu camera xung quanh và dọc tuyến đường mà đối tượng tẩu thoát khỏi hiện trường để tìm ra manh mối phá án.

Điều may mắn trong vụ việc này là nạn nhân chỉ bị thương, không ảnh hưởng tới tính mạng. Tuy nhiên, thực trạng này cho thấy tình trạng mất an ninh trật tự xảy ra gần đây ở nhiều tuyến phố Hà Nội, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền phổ biến các hành vi vi phạm pháp luật để người dân cảnh giác. Ngoài ra, người dân khi ra đường cần hết sức cẩn trọng, hạn chế đeo trang sức có giá trị ra đường và đi lại ở những đoạn đường vắng.

Theo quy định pháp luật, hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát là mặt khách quan của Tội cướp giật tài sản. Đây là tội có cấu thành hình thức nên kể cả không có hậu quả xảy ra, đối tượng chưa cướp giật được tài sản thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội phạm xâm hại đến quyền sở hữu tài sản, hành vi phạm tội được xem là hoàn thành từ khi tài sản bị giật rời khỏi sự kiểm soát của chủ tài sản. Nếu người phạm tội đã giật tài sản nhưng tài sản chưa rời khỏi sự quản lý của chủ tài sản thì tội phạm ở giai đoạn chưa hoàn thành.

Trường hợp trong quá trình thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và tẩu thoát mà đối tượng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc hành vi phạm tội được xem là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì khung hình phạt đối tượng phải đối mặt được quy định tại khoản 2, từ 3-10 năm tù.

Điều 171. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

g) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

i) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338