Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Thông tin từ báo chí, lực lượng chức năng nghi vấn nghi phạm đã sử dụng ma túy vào đêm trước đó (15/10/2023). Sáng nay (16/10/2023), nghi phạm cùng anh trai đi giao nước đá trên địa bàn Quận 3. Trong lúc hai anh em đang giao nước đá, người anh thấy em trai có biểu hiện bất thường nên nói em trai đứng ngoài trông coi xe rồi vác nước đá vào cho khách. Trong lúc đứng trông coi xe nước đá, nghi phạm tiếp tục có biểu hiện bất thường, cởi hết quần áo. Đúng lúc này, một người đàn ông buôn bán dao, đẩy xe chở dao đi ngang qua, nghi phạm lấy một cây dao rựa (loại dao dùng để chặt dừa) rồi chém một người gục tại chỗ. Tiếp đó, nghi phạm đuổi chém nhiều người dân trên đường từ địa bàn phường 2 qua chợ Bàn Cờ (Phường 3, Quận 3). Vụ việc làm 5 người trọng thương, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 115. Nguồn tin PV Thanh Niên xác nhận, đến chiều cùng ngày, 1 nạn nhân tử vong và 4 người còn lại trong tình trạng nguy kịch. (Link thông tin https://thanhnien.vn/vu-cam-dao-chem-loan-xa-o-q3-tphcm-1-nguoi-tu-vong-4-nguoi-nguy-kich-185231016164934679.htm?)
Phóng viên hỏi luật sư: Trách nhiệm pháp lý vụ việc này ra sao khi hung thủ đã chết?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, vụ án mạng do hung thủ nghi ngáo ma túy gây ra gây bàng hoàng dư luận, điều khiến dư luận bàng hoàng ở chỗ “diễn biến hành vi” hung thủ đang rất bình thường khi đi giao nước đá cùng anh trai, nhưng sau đó tự cởi bỏ quần áo và la hét lao vào lấy dao của người bán dao đi ngang qua và bắt đầu hành trình gây án gặp ai cũng đuổi chém, đưa đến hậu quả 6 người thương vong, trong đó 1 người đã tử vong và hung thủ sau đó tự sát. Hành vi chém giết, máu me chảy ròng khắp cơ thể hung thủ khi tự sát khiến nhiều người không khỏi rùng mình và ám ảnh kể lại.
Hành vi của hung thủ khiến nhiều người không ngờ tới, thậm chí “trở tay không kịp” dẫn tới không kịp chạy thoát thân và bị chém tới tấp, nếu đúng là hành vi bị ảo giác do ma túy gây ra thì hành vi phạm tội gây ra trong lúc bị ảo giác do dùng chất kích thích vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể: “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Việc sử dụng chất kích thích dẫn tới hạn chế hoặc không kiểm soát được hành vi gây ra cũng không phải tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Còn nếu qua điều tra xác định được hung thủ có tiền sử bệnh lý tâm thần hoặc tại thời điểm gây án đối tượng này không có năng lực trách nhiệm hình sự. Cụ thể “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự” theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì đối tượng này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự sẽ không đặt ra do hung thủ duy nhất của vụ án đã chết, đây là căn cứ không khởi tố vụ án hình sự được quy định tại khoản 7, Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Song, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe thì vẫn sẽ đặt ra đối với những người thừa kế theo pháp luật của người đã chết (hung thủ) theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, cụ thể: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Do đó, trường hợp người chết (hung thủ) có tài sản để lại, thì người bị xâm phạm sức khỏe, gia đình có nạn nhân bị xâm phạm tính mạng có thể yêu cầu người thừa kế theo pháp luật của người đã chết (hung thủ) bồi thường.
Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338