Language:
Vụ Phó giám đốc lái ô tô hất văng CSGT rồi bỏ chạy. Sẽ bị xử lý ra sao?
25/12/2022
icon-zalo

Luật sư Hà Thị Khuyên

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

 

Thông tin sự vụ việc, theo tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) ngày 25/12/2022, cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1975, trú tại TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) do hành vi chống người thi hành công vụ tại chốt kiểm tra nồng độ cồn. Người này hiện là Phó giám đốc một trung tâm giáo dục thường xuyên ở Vĩnh Phúc.

 

Khoảng 13 giờ ngày 24/12/2022, Tổ tuần tra kiểm soát thuộc Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự (Công an TP.Vĩnh Yên) làm nhiệm vụ trên đường Tô Hiến Thành (phường Đồng Tâm, TP.Vĩnh Yên) thì phát hiện người điều khiển xe ô tô có dấu hiệu vi phạm. Tổ tuần tra ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra nồng cồn, nhưng tài xế bất ngờ quay đầu bỏ chạy và đâm vào một chiến sĩ CSGT. Để tránh ô tô, chiến sĩ này nhảy lên nắp capo nhưng tài xế vẫn điều khiển xe bỏ chạy.


 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, lực lượng cảnh sát giao thông hoàn toàn có đủ cơ sở để dừng những xe có biểu hiện vi phạm để kiểm tra, người điều khiển phương tiện phải chấp hành hiệu lệnh dừng xe của lực lượng cảnh sát giao thông. Tuân thủ các quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu vi phạm.

 

Trường hợp này có thể lái xe đã nhận thức được bản thân đã có những lỗi vi phạm rất rõ ràng (sử dụng rượu bia, xe hết hạn kiểm định) nên cố ý không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe.

 

Đặc biệt, người này còn cố tình bỏ chạy và còn hất cả chiến sĩ cảnh sát giao thông lên nắp capo xe ô tô, hành vi này rất nguy hiểm có thể gây thương tích hoặc thiệt mạng cho chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Bởi vậy, cơ quan chức năng ra quyết định tạm giữ hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ của người này là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

 

Theo quy định tại khoản 2, Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao. Khoản 1, Điều 3 cũng quy định người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

 

Theo quy định pháp luật, tạm giữ hình sự là 03 ngày, được gia hạn 02 lần mỗi lần không quá 03 ngày, khi hết hạn tạm giữ hình sự nếu hành vi cấu thành tội phạm cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; còn nếu hết thời hạn tạm giữ qua điều tra hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hành vi chỉ đến mức xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan điều tra sẽ trả tự do cho người này.

 

Nếu có thương tích xảy ra thì sẽ chuyển tội danh từ tội Chống người thi hành công vụ sang tội Cố ý gây thương tích theo nguyên tắc chuyển hóa tội danh.

 

Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích sâu hơn, bước đầu cơ quan chức năng tạm giữ hình sự và tiến hành điều tra hành vi của người lái xe về hành vi chống người thi hành công vụ là phù hợp, nếu bị khởi tố người này sẽ đối diện với hàng loạt tình tiết tăng nặng do sử dụng rượu bia, xe hết hạn kiểm định… Do hành vi chống người thi hành công vụ đã khá rõ ràng nên người này có thể sẽ bị khởi tố theo quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Chống người thi hành công vụ, pháp luật quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Phạm tội 02 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.

 

Nếu hành vi chống người thi hành công vụ chưa đến mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

 

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

 

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ. Ngoài ra, người vi phạm buộc xin lỗi công khai đối với người thi hành công vụ đó.