Luật sư Hà Thị Khuyên
Thông tin từ báo chí, chiều 07/12/2023, Công an huyện Lương Sơn cho biết, đơn vị đã khám phá nhanh vụ án trộm xe đầu kéo tại cây xăng, bắt giữ 2 đối tượng Lê Văn S (SN 1983, trú Đông Viên, Hữu Văn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) và Nguyễn Duy T (SN 1974, thôn Cả, Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Theo Công an huyện Lương Sơn, bước đầu, 2 đối tượng khai nhận sau khi cùng nhau trộm được tài sản nói trên, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng đã giả vờ điều khiển xe theo hướng đi tỉnh Thanh Hóa. Sau đó quay lại mang tài sản lên các khu vực tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên để tiêu thụ lấy tiền tiêu xài và sử dụng ma túy. Anh Nguyễn Văn D cho biết đối tượng Lê Văn S từng làm lái xe cho gia đình từ tháng 5 năm nay và vừa được cho nghỉ việc cách đây khoảng 20 ngày do không làm được việc. (Link thông tin https://laodong.vn/phap-luat/loi-khai-cua-2-doi-tuong-trom-xe-dau-keo-o-cay-xang-1277064.ldo)
Phóng viên hỏi luật sư: Xin luật sư cho biết quan điểm về vụ án nêu trên?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của hai đối tượng là hết sức táo tợn, mặc dù đây là tài sản không những có giá trị mà còn rất cồng kềnh, khi chiếm đoạt tài sản này sớm hay muộn cũng sẽ bị phát hiện, mặc dù vậy các đối tượng vẫn cố tình thực hiện hành vi. Có thể những đối tượng này đang rất cần tiền để chơi ma tuý, trả nợ… nên mới liều lĩnh để thực hiện hành vi đến vậy.
Điều đáng chú ý nữa là một đối tượng từng là lái xe cũ mới bị cho nghỉ việc, hình thành tâm lý bất mãn lại nắm được thói quen của chủ sở hữu chiếc xe này nên các đối tượng đã thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt tài sản là chiếc xe đầu kéo trị giá 1,2 tỷ. Nhằm che giấu hành vi phạm tội các đối tượng đã có thủ đoạn giả vờ lái xe về Thanh Hoá nhưng sau lại đưa xe ra tận Thái Nguyên và Vĩnh Phúc để tiêu thụ nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng, đây là hành vi đã có sự tính toán và có kế hoạch từ trước nên được hai đối tượng phối hợp thực hiện trót lọt.
Trong vụ án này cơ quan điều tra tạm giữ hình sự các đối tượng là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Bước tiếp theo sẽ khởi tố vụ ân, khởi tố bị can và tiến hành định giá tài sản là chiếc xe, thu thập lời khai của các bên, thu thập các chứng cứ liên quan đến hành vi của hai đối tượng để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời cũng cần làm rõ có việc các đối tượng liên hệ thoả thuận trước với cơ sở tiêu thụ chiếc xe này hay không, chủ cơ sở có biết đây là tài sản do phạm tội mà có hay không để có căn cứ xử lý về Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể tội này quy định người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có thì cấu thành tội này.
Trong vụ án này, các đối tượng chiếm đoạt tài sản một cách lén lút với chủ tài sản đây là hành vi khách quan của Tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, chỉ cần người nào bằng thủ đoạn lén lút chiếm đoạt của người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì cấu thành tội này, trường hợp tài sản trộm cắp trị giá từ trên 500 triệu trở lên như vụ án này thì rất có thể các đối tượng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm.
Đây là bài học đắt giá cho những kẻ lười lao động, muốn hưởng thụ, bất chấp và liều lĩnh thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Càng về thời gian cuối năm các hành vi phạm tội càng diễn biến phức tạp, vì thế người dân cả nước cần nâng cao cảnh giác và ý thức đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm.
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338