Luật Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo thông tin ban đầu, ngày 11/2, UBND xã An Bá nhận tin báo về trường hợp bé gái T.T.M.C. (sinh ngày 26/6/2010) mang thai và tự sinh con tại nhà tắm của gia đình. Sau khi nắm vụ việc, UBND huyện Sơn Động đã giao công an huyện phối hợp chính quyền xã An Bá tiến hành làm việc, xác minh với gia đình M.C. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe mà tổ công tác chưa thể làm việc được với C. Thông qua ông T.V.B. (bố cháu C.), cơ quan chức năng biết được C. có quan hệ tình cảm với N.V.M. (17 tuổi, ở cùng xã). Hiện nay, M. đang sinh sống tại thị trấn An Châu, huyện Sơn Động. UBND huyện Sơn Động cho biết, toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc trên đã được chuyển tới Công an huyện Sơn Động để điều tra, giải quyết theo thẩm quyền. (Link thông tin https://dantri.com.vn/xa-hoi/be-gai-13-tuoi-o-bac-giang-mang-thai-tu-sinh-con-trong-nha-tam-20230215164743967.htm?)
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hà Thị Khuyên và Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho biết, việc bé gái chưa đủ 13 tuổi nhưng đã mang thai trước đó và tự sinh con trong nhà tắm, thông tin này đã làm rúng động dư luận cả nước, sự việc này phản ánh trạng đáng buồn về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở các địa phương. Điều này cho thấy gia đình, nhà trường và địa phương đã buông lỏng trong việc quản lý, giáo dục con em mình.
Bé gái sinh ngày 26/6/2010, tức tại thời điểm sinh con thì bé còn thiếu 3 tháng 19 ngày nữa mới tròn 13 tuổi, như vậy là bé bị xâm hại tình dục, mang thai và sinh con ở thời điểm dưới 13 tuổi.
Theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016, thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Và một trong những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện đối với trẻ em là xâm hại tình dục. Theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng xét xử các vụ án xâm hại tình dực người dưới 18 tuổi, thì đối với hành vi xâm hại người dưới 13 tuổi thì sẽ bị áp dụng hình phạt hết sức nghiêm khắc.
Người dưới 13 tuổi được xác định là người chưa thành niên, ở độ tuổi này trẻ em chưa có sự phát triển hoàn thiện về thể chất cũng như tâm sinh lý, nên đây là độ tuổi được pháp luật quan tâm và bảo vệ chặt chẽ. Việc quan hệ tình dục đối với những người ở độ tuổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm sinh lý cũng như có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sau. Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đối với những hành vi quan hệ tình dục đối với người “dưới 13 tuổi” không xét đến yếu tố tự nguyện hay không đều được xác định là phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Vì vậy, trong trường hợp bé gái mang thai và sinh con khi chưa đủ 13 tuổi là nạn nhân của hành vi hiếp dâm, người bạn trai 17 tuổi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, trường hợp này hành vi xâm hại dẫn đến hậu quả bé gái mang thai và sinh con, nên tội phạm và hình phạt dành cho người bạn trai được quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt có thể là từ 12-20 năm.
Theo phân loại tội phạm thì tính chất và mức độ nguy hiểm hành vi của người bạn trai là “đặc biệt nghiêm trọng”, trong khi người từ đủ 14 tuổi theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm trong đó có tội phạm quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, khi xem xét hình phạt đối với người bạn trai 17 tuổi cơ quan điều tra sẽ xác định tuổi thật của người bạn trai, độ tuổi tại thời điểm thực hiện hành vi xâm hại tình dục bé gái, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng để quyết định hình phạt; ngoài tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự, thì người bạn trai sẽ được áp dụng mức hình phạt cho người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Về trách nhiệm bồi thường, thì bạn trai và gia đình phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tinh thần cho nạn nhân và gia đình, các khoản bồi thường được quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 590 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Liên hệ tư vấn Luật sư: 0936683699 - 0983951338