Hiện nay trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được xác định là một trường hợp cụ thể của trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng, đây là hình thức nhằm xác định trách nhiệm dân sự đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ra thiệt hại về môi trường, thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của con người, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ tính chất thiệt hại xảy ra, thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường được chia thành hai loại: (1) Thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích do làm ô nhiễm môi trường (bao gồm các thiệt hại về môi trường đất, nước, hệ sinh thái, động, thực vật - thường được gọi là thiệt hại trực tiếp hay thiệt hại nguyên phát) và (2) Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp khác (thường được gọi là thiệt hại gián tiếp hay thiệt hại thứ phát). Trong mối quan hệ giữa hai loại thiệt hại này thì thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là loại thiệt hại xảy ra trước. Còn thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức cụ thể chỉ phát sinh sau khi có hậu quả là suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Do vậy, có thể thấy muốn xác định được có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp do ô nhiễm môi trường thì phải xác định được có thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tại khu vực đó.
Tại Điều 602 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường. Theo đó, chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.
Theo quy định pháp luật thì bất kỳ chủ thể nào cá nhân, pháp nhân, tổ chức… mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm bồi thường đặt ra ngay cả khi không chủ thể có lỗi hay không. Thông thường thiệt hại xảy ra đối với môi trường khó có thể xác định được mức thiệt hại xảy ra, khi môi trường bị ô nhiễm, thiệt hại có thể chỉ xảy ra sau một thời gian nhất định, cũng có thể là vài tháng, nhưng cũng có thể là vài năm; điều này khiến cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp là rất khó khăn. Trong nhiều trường hợp, việc chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra là vô cùng khó, vì thế khi các chủ thể có hành vi gây thiệt hại tới môi trường không cần quan tâm tại thời điểm có hành vi vi phạm đã có thiệt hại xảy ra hay chưa, các chủ thể đều phải bồi thường thiệt hại, tiền bồi thường thiệt hại thực chất là tiền phạt đối với hành vi gây nguy hại cho môi trường, khoản tiền đó sẽ được sử dụng để khắc phục, cải tạo, các thiệt hại chung về môi trường và bồi thường cho người bị hại, nếu có người bị thiệt hại do môi trường bị ô nhiễm, thông thường là các thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản.
Xác định thiệt hại đối với môi trường và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 131 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể: Tổ chức thực hiện hoặc thuê đơn vị có chức năng, năng lực phù hợp để thu thập dữ liệu, chứng cứ; xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại; tính toán thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái; Thành lập hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường theo quy định; Đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên kết quả tư vấn của hội đồng thẩm định dữ liệu, chứng cứ.
Việc Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bổ sung quy định xác định rõ chủ thể có trách nhiệm yêu cầu bồi thường và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái như trên nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mặt khác, việc giao trách nhiệm tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái cho một cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp bởi lẽ thực tế việc thu thập dữ liệu, chứng cứ chứng minh sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường là việc rất khó. Quy định như trên không chỉ hợp lý mà còn bảo vệ các quyền chính đáng của các bên có liên quan và tiết kiệm chi phí tố tụng như chi phí giám định vốn rất phức tạp và tốn kém.
Điều 602. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường
Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338