Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự, theo đó người vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây tổn hại cho người khác phải bồi thường những tổn thất do mình gây ra mà giữa người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại và người bị thiệt hại không giao kết hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi thực hiện hợp đồng. Vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Chương XX của Bộ luật Dân sự năm 2015 từ Điều 584 đến Điều 608. Hành vi gây thiệt hại có thể được thực hiện bởi bất kỳ chủ thể nào trong xã hội nhưng không phải chủ thể nào cũng có khả năng thực hiện việc bồi thường, việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường còn phụ thuộc vào năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của từng chủ thể.
Tại Điều 598 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Theo quy định trên khi người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ được áp dụng theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tức là Bộ luật dân sự không còn là cơ sở căn cứ pháp lý trực tiếp để giải quyết các vấn đề liên quan đến bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.
Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ, quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức, hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân xã hội. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra là loại trách nhiệm bồi thường mang tính đặc thù được điều chỉnh bởi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bởi người thi hành công vụ là những người được Nhà nước chuyển giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án, nên quy định về trách nhiệm của họ được điều chỉnh bởi luật riêng không giống như những quan hệ dân sự thông thường.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước thì "Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án. Như vậy, có thể thấy người đang thi hành công vụ chỉ có thể là cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức. Khi những người này thực hiện hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật) mà gây thiệt hại thì nhà nước là chủ thể phải bồi thường.
Về mặt điều kiện bồi thường:
- Phải có thiệt hại xảy ra trên thực tế: tài sản, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
- Phải có hành vi trái pháp luật.
- Phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với thiệt hại xảy ra.
- Phải có lỗi, có thể là lỗi cố ý hoặc vô ý.
Về nội dung bồi thường:
- Phương thức bồi thường cho người bị thiệt hại: Cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ công chức sẽ phải trực tiếp bồi thường cho người bị thiệt hại bằng tiền từ ngân sách nhà nước.
- Phương thức hoàn trả: Người trực tiếp gây thiệt hại hoàn trả theo quyết định của cơ quan chủ quản căn cứ vào các văn bản có liên quan.
Tiếp theo, bồi thường thiệt hại cho người bị oan do hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự gây ra được quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước.
Yêu cầu nhà nước bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra:
Người có quyền yêu cầu bồi thường: Người bị thiệt hại; Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự; Cá nhân, pháp nhân được ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Thời hiệu yêu cầu bồi thường: Theo Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2017. Theo đó, thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự. Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính. Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường: Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường; Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới. Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu quy định tại khoản 3 Điều này.
Điều 598. Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338