Mặc dù súc vật và thú dữ đều là các loài động vật và đều có khả năng gây ra những thiệt hại cho con người và môi trường xung quanh, dẫn đến việc phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu hoặc các chủ thể khác. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại do súc vật và thú dữ gây ra lại được quy định khác nhau; điều này được giải thích bởi những đặc điểm khác biệt về bản năng tính loài giữa súc vật và thú dữ. Không giống như pháp luật Việt Nam, pháp luật của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các loài động vật gây ra chứ không tách biệt giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thú dữ hay do súc vật cũng như các loài động vật khác gây ra.
Tại Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Cụ thể khi súc vật gây ra thiệt hại cho người khác thì chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo đó, các chủ thể sau phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do súc vật thuộc sở hữu của mình gây ra khi đang trực tiếp quản lý, sử dụng súc vật; Chủ sở hữu là người có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt súc vật và hưởng hoa lợi, lợi tức do súc vật đem lại. Trong quá trình quản lý, sử dụng mà súc vật gây thiệt hại cho chủ thể khác thì chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bất kể chủ sở hữu có lỗi hay không có lỗi trong việc để súc vật gây thiệt hại; đây là quy định dựa trên lẽ công bằng, khi một người có quyền hưởng lợi ích từ tài sản thì cũng phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà tài sản đó gây ra cho người khác; theo quy định này trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu phát sinh từ quyền khai thác công dụng và hưởng lợi ích mà súc vật mang lại, chủ sở hữu có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra; nếu súc vật được thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường theo tập quản nhưng không được trái với pháp luật và đạo đức xã hội.
Người chiếm hữu, sử dụng súc vật là những người được chủ sở hữu súc vật chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng thông qua các giao dịch dân sự như: cho thuê, cho mượn. Người chiếm hữu, sử dụng là chủ thể có quyền trong việc nắm giữ, sử dụng súc vật đó nhằm phục vụ các nhu cầu về lợi ích của mình như: sử dụng làm sức kéo, lấy sữa, lấy trứng... hoặc nhận được một khoản tiền công từ việc quản lý, giám sát súc vật thay cho chủ sở hữu; dù trong trường hợp nào thì người chiếm hữu, sử dụng súc vật cũng có quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý, sử dụng, trông giữ súc vật. Việc chiếm hữu, sử dụng cũng đem lại cho họ một số lợi ích nhất định, do đó, họ trở thành chủ thể phải chịu trách nhiệm với những thiệt hại do súc vật gây ra.
Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật là những trường hợp chủ thể có được tài sản không thông qua chuyển giao hợp pháp và không thuộc các trường hợp chiếm hữu khác theo quy định pháp luật, khi súc vật gây thiệt hại, với tư cách là người chiếm hữu, sử dụng tài sản, đồng thời còn vi phạm quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản nên người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật phải chịu toàn bộ trách nhiệm; đối với người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp tài sản họ có thể được miễn trừ trách nhiệm bồi thường, hoặc thỏa thuận với chủ sở hữu về việc không phải bồi thường hoặc giảm mức bồi thường.
Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì không có quyền đó, bởi hành vi nắm giữ tài sản của họ đã là một hành vi trái pháp luật và không được bảo vệ, chính việc chiếm hữu, sử dụng tài sản không có căn cứ pháp luật đã làm tăng nguy cơ gây thiệt hại của súc vật cho những người xung quanh. Bởi vì, việc nắm giữ tài sản trái pháp luật không có cơ sở để họ biết được cách sử dụng, quản lý, chăm sóc súc vật phù hợp với đặc tính của nó để ngăn chặn thiệt hại xảy ra.
Người thứ ba trong quan hệ bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là người không có quyền và nghĩa vụ gì với súc vật, họ không phải chủ sở hữu, cũng không phải người chiếm hữu, sử dụng súc vật được chuyển giao quyền, cũng không phải người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật; thời điểm súc vật gây ra thiệt hại, họ không phải là chủ thể có nghĩa vụ quản lý, sử dụng súc vật, song họ vẫn phải chịu trách nhiệm với thiệt hại mà súc vật gây ra; xuất phát từ yếu tố lỗi của người thứ ba trong việc tác động, kích động súc vật khiến nó gây ra thiệt hại; thiệt hại không xuất phát từ việc súc vật tự gây ra, mà do tác động của người thứ ba; bản thân nó không tự mình gây thiệt hại cho con người, mà đơn giản chỉ đang thực hiện hành vi tự vệ hoặc chạy trốn khỏi người thứ ba đã kích động nó, và gây thiệt hại cho người thứ ba.
Trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của các chủ thể trong một số trường hợp nhất định như:
Giữa người thứ ba và chủ sở hữu, trường hợp người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi trong trường hợp để gia súc gây nên thiệt hại cho người khác thì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường; người thứ ba là người có lỗi trong việc kích động, tác động đến súc vật khiến chúng gây thiệt hại; còn chủ sở hữu là người có lỗi trong việc không quản lý hoặc quản lý súc vật không chặt chẽ khiến cho người thứ ba có cơ hội tiếp cận; kích động súc vật; nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì không làm phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của người thứ ba và chủ sở hữu.
Giữa người chiếm hữu, sử dụng tài sản và chủ sở hữu, chủ sở hữu và người chiếm hữu, sử dụng tài sản phải liên đới bồi thường thiệt hại nếu cùng có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, trong trường hợp này, trách nhiệm của các bên được xác định dựa trên yếu tố lỗi; cả chủ sở hữu và người chiếm hữu, sử dụng tài sản đều có lỗi trong việc quản lý chặt chẽ gia súc khiến cho chủ thể khác có cơ hội chiếm đoạt; nên họ có trách nhiệm phải cùng nhau bồi thường thiệt hại nếu súc vật bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho người khác.
Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Văn phòng Luật sư Nhân Chính
Liên hệ luật sư: 0936683699 - 0983951338