Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Tại Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Thứ hai, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
Thứ ba, trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Khi nghĩa vụ đến thời hạn thực hiện mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình mà việc không thực hiện, thực hiện không đúng này không thuộc trường hợp bất khả kháng hay nói cách khác, bên vi phạm không được miễn trách nhiệm dân sự. Thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản bảo đảm. Thông thường xử lý tài sản bảo đảm sẽ thực hiện khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, thì bên có quyền sẽ xử lý tài sản bảo đảm. Tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận nếu bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng thì bên có quyền sẽ xử lý tài sản bảo đảm.
Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.
Khi tham gia quan hệ hợp đồng hoặc trong thời hạn thực hiện hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn, như hợp đồng vay có thời hạn và các bên có thỏa thuận thực hiện nghĩa vụ trả nợ trước kỳ hạn mà không phải trả toàn bộ lãi cho cả thời hạn vay. Tuy nhiên, khi bên cho vay yêu cầu trả nợ, nhưng bên vay không trả nợ hoặc trả một phần, thì bên cho vay có quyền xử lý tài sản bảo đảm.
Trường hợp luật có quy định phải thực hiện trước nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ như thu hồi tài sản của bên nhận bảo đảm để thi hành án hoặc xử lý tài sản trong trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản. Trường hợp tài sản cầm cố, thế chấp bị bán đấu giá thi hành án dân sự thì bên nhận thế chấp cầm cố có quyền ưu tiên, sau đó thanh toán cho các khoản phải thi hành án theo Luật thi hành án dân sự.
Điều 90 Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp. Theo đó, trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.
Điều 299. Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm
1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338