Language:
Cặp vợ chồng cướp tiệm vàng ở An Giang, sẽ đối mặt hình phạt nào?
06/01/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

 

Thông tin sự việc, chiều 04/01/2023, Công an huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang nhận được tin báo từ Công an thị trấn Mỹ Luông về việc xảy vụ cướp ở tiệm vàng Kim Chi. Một đôi nam nữ giả vờ mua vàng rồi cướp 1 dây chuyền 3 chỉ, 1 mặt dây chuyền 1 chỉ và 1 vòng đeo tay 2 chỉ, tổng trị giá trên 32 triệu đồng. Ngay sau đó, lãnh đạo Công an huyện Chợ Mới đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự phối hợp cùng Công an thị trấn Mỹ Luông và Công an xã Mỹ An nhanh chóng vào cuộc, triển khai lực lượng truy bắt thủ phạm. (Link thông tin https://nld.com.vn/phap-luat/dien-bien-moi-vu-doi-vo-chong-tre-cuop-tiem-vang-o-an-giang-20230105155604591.htm).

 

 

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi sử dụng vũ lực để đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác khiến cho người bị đe dọa lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản là hành vi cướp tài sản. Người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Tội cướp tài sản là tội danh có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác tác động đến thân thể của nạn nhân nhằm vô hiệu hóa sức kháng cự, khả năng bảo vệ tài sản của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản là sẽ cấu thành tội phạm mà không bắt buộc hành vi phải đến mức nạn nhân bị tê liệt ý chí và phải chiếm được tài sản.

 

Trong tình huống ở trên nếu hai vợ chồng không sử dụng bình xịt hơi cay, giả vờ xem vàng rồi bỏ chạy nhầm chiếm đoạt số vàng đó thì có thể bị xử lý hình sự về tội cướp giật tài sản với mức hình phạt ít nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên diễn biến qua thông tin ban đầu cho thấy người chồng đã sử dụng bình xịt hơi cay để tấn công người bán hàng trước khi bỏ chạy, hành vi này được xác định là đã sử dụng vũ lực nhằm triệt tiêu sức kháng cự của người quản lý tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản.

 

Hành vi này đã chuyển hóa từ hành vi cướp giật sang hành vi cướp tài sản nên hai vợ chồng đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản theo chứ không phải là cướp giật tài sản. Trường hợp nếu hành vi của hai vợ chồng đối tượng này được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, dù tài sản bị cướp chưa tới 50 triệu đồng nhưng vẫn có thể phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 7 đến 15 năm theo quy định tại khoản 2, Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015.

 

Phân tích thêm, Luật sư Hà Thị Khuyên nhấn mạnh, mặt khách quan của tội Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng; làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc là đe dọa dùng tức khắc sức mạnh vất chất được thể hiện bằng lời nói; cử chỉ hành động đe dọa sẽ tấn công người quản lý tài sản hoặc những người khác nếu không đáp ứng yêu cầu hoặc có ý định ngăn cản hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

 

Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự để chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội không dùng vũ lực; hoặc đe dọa dùng vũ lực; xong bằng mọi cách thức, thủ đoạn; người phạm tội đã đưa nạn nhân vào tình trạng không còn khả năng quản lý được tài sản như; dùng ê te, các loại thuốc ngủ đầu độc nạn nhân; dùng dây chằng qua đường làm nạn nhân vấp ngã để cướp tài sản.

 

Điều 168. Tội cướp tài sản
 
1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
 
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
 
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
 
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
 
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
 

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338