Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Theo quy định tại Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Tại Điều 350 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chấm dứt cầm giữ. Theo đó, cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:
Thứ nhất, bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.
Thứ hai, các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ.
Thứ ba, nghĩa vụ đã được thực hiện xong.
Thứ tư, tài sản cầm giữ không còn.
Thứ năm, theo thỏa thuận của các bên.
Theo quy định trên thì biện pháp cầm giữ tài sản chấm dứt khi có một trong các trường hợp sau:
Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế, việc này có thể do bên thứ ba chiếm giữ tài sản trái pháp luật hoặc bên cầm giữ không thực hiện quyền cầm giữ nữa. Tuy nhiên khi tài sản bị chiếm giữ trái pháp luật, bên cầm giữ có quyền truy đòi tài sản. Do vậy khi bên cầm giữ không thực hiện quyền chiếm giữ thì chiếm giữ tài sản chấm dứt. Để bảo đảm khả năng được thanh toán, bên có quyền có quyền chiếm giữ tài sản cho đến khi bên kia hoàn thành nghĩa vụ. Nhưng vì nguyên do nào đó mà bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế, mà cầm giữ là biện pháp bảo đảm được xác lập trên cơ sở bên cầm giữ trực tiếp chiếm giữ tài sản. Do đó, khi bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế thì biện pháp cầm giữ chấm dứt hiệu lực.
Các bên thỏa thuận thay thế cầm cố bằng biện pháp bảo đảm khác, vấn đề này nằm trong phạm vi quyền tự định đoạt của các bên trong quan hệ hợp đồng. Các chủ thể có thể thỏa bất cứ biện pháp bảo đảm nào mà pháp luật quy định để thay thế biện pháp cầm giữ. Pháp luật cho phép các bên khi đã xác lập biện pháp bảo đảm, có thể thay thế bằng một biện pháp bảo đảm khác. Thay thế được hiểu là vứt bỏ cái cũ, thay vào cái mới, cái mới sẽ có hiệu lực thay thế cho cái cũ. Do đó, nếu các bên thỏa thuận xác lập biện pháp bảo đảm mới, thì biện pháp cầm giữ chấm dứt. Có thể do bên nghĩa vụ cần gấp tài sản cầm giữ, nhưng lại không đủ khả năng thanh toán, nên thỏa thuận xác lập biện pháp bảo đảm mới như: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh…
Nghĩa vụ đã được thực hiện xong, khi thực hiện xong nghĩa vụ thì mục đích bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã đạt được. Do vậy cầm giữ tài sản chấm dứt. Mục đích của bất kỳ biện pháp bảo đảm nào cũng nhằm đảm bảo cho việc bên có nghĩa vụ thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình. Vì vậy, khi nghĩa vụ đã được thực hiện đầy đủ, thì biện pháp bảo đảm cũng chấm dứt hiệu lực. Hợp đồng bảo đảm phát sinh đồng thời và tồn tại song song với nghĩa vụ chính, là hợp đồng phụ đảm bảo thực hiện hợp đồng chính. Do đó, nếu hợp đồng chính được thực hiện đầy đủ và chấm dứt hiệu lực với các bên, thì hợp đồng bảo đảm cũng chấm dứt nghĩa vụ của mình. Lúc này bên cầm giữ phải trả lại tài sản cầm giữ cho bên có nghĩa.
Tài sản cầm giữ không còn, cầm giữ tài sản là việc bên có quyền chiếm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ. Khi tài sản không còn thì cầm giữ đương nhiên chấm dứt. Cầm giữ là việc chiếm giữ tài sản trên thực tế, nhưng trong thời hạn cầm giữ vì nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan nào đó mà tài sản cầm giữ không còn, thì biện pháp cầm giữ chấm dứt. Bên cầm giữ không có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ giao tài sản để cầm giữ, mà các bên tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng song vụ, bên vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Theo thỏa thuận của các bên, bản chất của giao kết hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận. Tất cả các hợp đồng có hiệu lực pháp luật đều là hệ quả sự thỏa thuận cho dù sự thỏa thuận đó được thể hiện ở hình thức nào. Do đó, biện pháp cầm giữ tài sản cũng có thể chấm dứt theo thỏa thuận giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ. Các bên có thể thỏa thuận về việc chấm dứt biện pháp cầm giữ tài sản. Nhìn chung, cầm giữ được xác lập trên cơ sở tự do, tự nguyện, theo ý chí của bên cầm giữ, mà không có sự bắt buộc của pháp luật, vì vậy các bên có thể dễ dàng thỏa thuận chấm dứt bảo đảm bất kỳ khi nào và được pháp luật tôn trọng.
Điều 350. Chấm dứt cầm giữ
Cầm giữ tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.
2. Các bên thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm khác để thay thế cho cầm giữ.
3. Nghĩa vụ đã được thực hiện xong.
4. Tài sản cầm giữ không còn.
5. Theo thỏa thuận của các bên.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338