Luật sư Hà Thị Khuyên
Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ…” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, do cựu chủ tịch Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) cầm đầu, hiện bị can Nhàn đang bỏ trốn và bị truy nã.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, về nguyên tắc pháp luật tố tụng hình sự, trong quá trình điều tra vụ án hình sự nếu bị can bỏ trốn thì cơ quan điều tra sẽ truy nã và có thể tạm đình chỉ một phần hoặc toàn bộ vụ án để chờ kết quả truy nã bị can, cụ thể tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 nêu rõ cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Còn trường hợp không biết rõ bị can đang ở đâu, thì cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm đình chỉ điều tra. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can, thì có thể tạm đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Tuy nhiên, ở vụ án này căn cứ kết quả thu thập tài liệu, các sổ ghi chép, phục hồi trích xuất dữ liệu, lời khai của các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các bị can, Cơ quan điều tra Bộ Công an (C03) kết luận đủ cơ sở xác định cựu chủ tịch Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) là chủ mưu, cầm đầu và chịu trách nhiệm chính trong vụ án, hành vi phạm tội đã rõ ràng nên việc đề nghị khởi tố, ra kết luận điều tra và truy tố, xét xử vắng mặt là có căn cứ. Cụ thể, theo quy định tại Điều 240 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì thời hạn Viện Kiểm sát Nhân dân truy tố đối với tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là 30 ngày và có thể gia hạn một lần với thời hạn không quá 30 ngày nữa. Như vậy, là thời hạn truy tố tối đa (kể cả thời gian gia hạn) trong vụ án này là không quá 60 ngày. Hết thời hạn 60 ngày thì viện kiểm sát phải ban hành quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc ban hành cáo trạng để đề nghị truy tố đối với các bị can (nếu có cáo trạng đề nghị truy tố thì mới có căn cứ để tòa án xét xử). Bởi vậy, về mặt lý thuyết thì trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày viện kiểm sát nhận được hồ sơ vụ án và bản Kết luận điều tra mà cơ quan tố tụng bắt được bị can là cựu chủ tịch AIC hoặc bị can này đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, thì viện kiểm sát vẫn có căn cứ để ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can này và các đồng phạm, trong tình huống này thì việc đề nghị truy tố của cơ quan điều tra vẫn có cơ sở để thực hiện.
Hiện tại cựu chủ tịch AIC đang bị truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế, để truy tố và xét xử bị can này cơ quan tố tụng sẽ áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả, bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa. Vì vậy, khi thuộc một trong các trường hợp quy định quy định tại khoản 2, Điều 290 thì tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo. Việc điều tra, truy tố và xét xử vắng mặt đảm bảo đúng trình tự, thủ tục tố tụng luật định, bị can, bị cáo vắng mặt sẽ mất quyền tự bào chữa và nhờ người bào chữa, không được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nếu cựu chủ tịch AIC ra “đầu thú” có được hưởng tình tiết giảm nhẹ? Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, theo quy định pháp luật tố tụng hình sự thì truy nã là việc cơ quan tố tụng ra quyết định truy tìm tung tích của người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu. Căn cứ vào Điều 4, Điều 7 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC do Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao, thì trong giai đoạn điều tra nếu xác định có bị can bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án phải ra quyết định truy nã và phối hợp với lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm để tổ chức truy bắt. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ căn cứ xác định đối tượng đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả.
Tại điểm i khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thì “đầu thú” là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. Người phạm tội “đầu thú” là điều kiện để xem xét được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Đối chiếu trường hợp bỏ trốn của cựu chủ tịch AIC, nếu bị can này nhận thức được tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối cải, tự nguyện ra đầu thú và khai nhận các hành vi vi phạm và những đồng phạm khác thì sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, Đảng và Nhà nước luôn có chính sách khoan hồng cho những người biết sửa sai, lập công chuộc tội và cải tạo tốt để được hưởng chính sách tha tù trước thời hạn. Còn nếu bị can ngoan cố trốn tránh và không ra đầu thú gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy bắt thì bị can sẽ không được nhận sự khoan hồng của pháp luật, không được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015.