Language:
Chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm (Điều 371)
03/10/2023
icon-zalo

Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Luật sư Hà Thị Khuyên

Nghĩa vụ là sự thỏa thuận của bên có nghĩa vụ và bên thứ ba trong đó bên có nghĩa vụ sẽ chuyển giao nghĩa vụ đó cho bên thứ ba. Khi nghĩa vụ được chuyển giao thì bên thứ ba được gọi là là bên thế nghĩa vụ. Quan hệ giữa bên có nghĩa vụ và bên có quyền chấm dứt, làm phát sinh quan hệ mới là quan hệ giữa bên thế nghĩa vụ và bên có quyền, bên thế nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền.

Biện pháp bảo đảm được hiểu là biện pháp do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định mà theo đó bên bảo đảm dùng tài sản hoặc công việc mình có khả năng thực hiện được để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các biện pháp bảo đảm là cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản. Khi xác lập quan hệ nghĩa vụ, không phải trong trường hợp nào bên có nghĩa vụ cũng thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ của mình, điều đó làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên có quyền. Để hạn chế rủi ro các bên có thể thỏa thuận xác lập biện pháp bảo đảm.

Tại Điều 371 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định việc chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm. Theo đó, trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp các bên có thỏa thuận thì biện pháp bảo đảm có thể được chuyển giao. Trường hợp này, tính chất của các biện pháp bảo đảm cũng có thể được thay đổi từ cầm cố, thể chấp... sang bảo lãnh. Và lúc này thỏa thuận chuyển giao thường được thực hiện giữa bên có quyền với bên có nghĩa vụ hoặc cả 03 bên chứ không phải là thỏa thuận giữa bên có nghĩa vụ với bên thế nghĩa vụ. Vì vậy, việc thỏa thuận chuyển giao biện pháp bảo đảm cần có sự đồng ý của cả 03 bên,bao gồm: bên chuyển giao, bên có quyền và bên thế nghĩa vụ.

Có những trường hợp nghĩa vụ chuyển giao cũng có biện pháp bảo đảm đi kèm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh hoặc đặt cọc... Tuy nhiên, khác với việc chuyển giao quyền, khi chuyển giao nghĩa vụ thì biện pháp bảo đảm đương nhiên chấm dứt nếu các bên không có thỏa thuận khác. Có sự khác biệt này bởi lẽ đối tượng của các biện pháp bảo đảm thường là tài sản thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ (bên bảo đảm) nên khi nghĩa vụ được chuyển giao thì tài sản bảo đảm không còn thuộc sở hữu của bên bảo đảm nữa. Do đó, nếu không có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản thì sẽ không xử lý được tài sản bảo đảm khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ. Hơn nữa, khác với chuyển giao quyền thì chuyến giao nghĩa vụ đã được sự đồng ý của bên có quyền nên trong trường hợp này bên có quyền đã dự liệu được khả năng đáp ứng đối với quyền yêu cầu của mình và có thế dự liệu trước được những rủi ro có thể xảy ra.

Điều 371. Chuyển giao nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm

Trường hợp nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338