Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Phóng viên hỏi luật sư: Trường hợp ông T - cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội có bị áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề trong thời gian nhất định không?
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng phân tích, hiện nay trong Bộ luật Hình sự chưa có quy định về khái niệm hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, căn cứ tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015 và phương thức áp dụng, thì có thể hiểu hình phạt bổ sung là hình phạt được áp dụng bổ sung cho hình phạt chính, hình phạt bổ sung do Tòa án quyết định áp dụng đối với người phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người họ.
Hình phạt này được quy định đối với các tội phạm lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp hay công việc nhất định kể cả các tội phạm do thiếu trách nhiệm khi thực hiện công vụ hoặc do vi phạm quy tắc nghề nghiệp.
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về các hình phạt bổ sung thì có việc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, quy định này áp dụng đối với những tội danh có hình phạt chính và hình phạt bổ sung do người có chức vụ, quyền hạn, người đang hành nghề hoặc làm những công việc nhất định, nếu để họ tiếp tục hành nghề hay đảm nhiệm chức vụ thì sẽ không đảm bảo về mặt chuyên môn, về mặt đạo đức, bởi sau khi chấp hành xong hình phạt chính thì họ cần có thời gian để tiếp tục cập nhật bổ sung kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ qua một thời gian nhất định thì mới đảm bảo đủ điều kiện hành nghề hoặc xem xét tiếp tục đảm nhiệm chức vụ quyền hạn. Về mặt đạo đức thì do vi phạm pháp luật họ cũng cần có quá trình chuẩn hóa lại tư tưởng nhận thức nghề nghiệp của bản thân.
Quy định cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được nêu rõ tại Điều 41 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, ngoài hình phạt chính quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3. Thì tại khoản 4 của tội danh có nêu “Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
Trường hợp này nguyên giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội sau khi chấp hành xong bản án tức hình phạt chính là hình phạt tù, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù thì "có thể" sẽ bị cấm hành nghề theo quy định từ 1-5 năm, có cấm áp dụng hình phạt bổ sung hay không và thời gian cấm hành nghề bao lâu là do Hội đồng xét xử quyết định.
Ngoài ra, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới thì sẽ được cáo án tích theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Liên hệ tư vấn luật sư: 0936683699 - 0983951338