Luật sư Nguyễn Văn Đồng
Luật sư Hà Thị Khuyên
Theo thông tin ban đầu, số lượng tang vật Công an TP.HCM thu giữ được gồm 150 súng các loại, 250 viên đạn, hơn 4000 dao, kiếm và hàng trăm công cụ hỗ trợ khác. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng và Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết, đây là đường dây mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí lớn nhất từ trước đến nay… nếu cơ quan chức năng không phát hiện và xử lý kịp thời, thì số lượng vũ khí này được lưu hành ngoài cộng đồng sẽ để lại hệ lụy, hiểm họa cực lớn, cực kỳ nguy hiểm, gây mất an ninh trật tự, làm phát sinh nhiều loại tội phạm khác.
Tại khoản 4, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi 2019), vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu. Đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ gồm Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển, Công an nhân dân, Cơ yếu, Kiểm lâm, Kiểm ngư, An ninh hàng không, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động, Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh. Vì vậy, việc các đối tượng trong đường dây ngang nhiên mua bán, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí này là trái quy định pháp luật, nên các đối tượng này sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, ngoài những đơn vị nêu trên, nếu cá nhân, tổ chức nào có hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí trong danh mục nêu trên quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (sửa đổi 2019) thì tùy thuộc tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 11, Nghị định 144/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mức phạt lên đến 40 triệu đồng và các hình phạt bổ sung khác.
Còn nếu qua điều tra, xác minh, giám định số tang vật là súng, đạn, vật liệu nổ nêu trên mà các đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng là vũ khí quân dụng hoặc có tính năng, chức năng gây sát thương tương tự như vũ khí quân dụng, thì rất có thể các đối tượng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất phạt tù từ 15 - 20 năm hoặc tù chung thân, nếu việc mua bán, tàng trữ và sử dụng dẫn tới hậu quả chết người, gây thiệt hại về tài sản 1.5 tỷ đồng trở lên hoặc vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn. Ngoài ra, các đối tượng phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 về “Tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng” thì những đối tượng thực hiện các hành vi khách quan như chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí; người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, nhận thức được tính chất nguy hiểm của loại vũ khí mình đang chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép.